Nợ xấu lớn, không có khả năng chi trả, mất tỷ lệ an toàn vốn, ngân hàng sẽ bị kiểm soát đặc biệt |
Thông tư nêu rõ 7 trường hợp sẽ được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt bao gồm:
Tổ chức tín dụng thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trong thời gian 3 tháng liên tục.
Tổ chức tín dụng không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 1 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 1 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
Tổ chức tín dụng có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 6 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%.
Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục.
Xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2019.
Thanh Hoa