Nhiều năm trước, lợi nhuận các ngân hàng thương mại thu về hàng năm có thể có nhiều thay đổi, nhưng 3 vị trí dẫn đầu luôn thuộc về nhóm ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV và Vietinbank. Tuy nhiên, hai năm gần đây có sự “chiếm ngôi” của một số ngân hàng tư nhân.
Trong quý I/2022, BIDV đứng ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ |
Tính tới thời điểm này, phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Trong số 27 ngân hàng được khảo sát có đến 22 nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng, 5 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, bao gồm: VietinBank, OCB, Kienlongbank, VietBank, NCB. Nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do các ngân hàng này phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Lợi nhuận dù không phản ánh toàn diện hiệu quả hoạt động của một ngân hàng, nhưng vẫn được xem là một chỉ báo để phân định thứ hạng. Và trong quý I/2022, bảng xếp hạng này tiếp tục có sự xáo trộn lớn.
Đến hết quý I/2022, VPBank tạm thời giữ vị trí quán quân với lợi nhuận đạt 11.146 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần (tăng khoảng 170%) so với cùng kỳ. Kết quả này có được do nhà băng nhận khoản thu bất thường (phí trả trước bảo hiểm hàng ngàn tỷ đồng từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm với AIA).
Đứng thứ 2 là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế 9.950 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Ở vị trí thứ 3 là Techcombank với lợi nhuận ghi nhận 6.785 tỷ đồng, tăng trưởng 23%.
Như vậy, so với những năm trước bảng xếp hạng tăng trưởng lợi nhuận 3 ngân hàng nhóm đầu đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của các ngân hàng tư nhân. Theo đó, VietinBank từ vị trí á quân lùi xuống vị trí thứ 5 lợi nhuận trong quý I năm nay, chủ yếu do quý I/2021 lợi nhuận ngân hàng này cao đột ngột vì giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Còn BIDV đứng ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Dĩ nhiên, đằng sau mỗi ngân hàng là một câu chuyện khó khăn và vướng mắc cơ chế khác nhau, không thể tăng vốn đang là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh hàng năm của các ngân hàng có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của các ngân hàng tư nhân, điển hình là Techcombank, MB, VPBank cho thấy mảng bán lẻ và khách hàng cá nhân đang tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho các nhà băng này.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết: Tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thực hiện theo chuẩn Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên”, ông Phan Đức Tú nói.
Với việc hơn 70% lợi nhuận vẫn đến từ tín dụng, việc tăng vốn sẽ giúp những ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV..., cải thiện rất nhiều lợi nhuận trong những năm tiếp theo. Và theo đó, bảng xếp hạng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục thay đổi.
Huyền Anh