Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 được Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố cho thấy, trong năm 2022, các TCTD kỳ vọng “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD trong các quý của năm 2022. Trong khi đó, “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” được nhận định có thể là nhân tố có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2022.
95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương trong năm 2022. |
Từ những yếu tố trên, dự báo cho thời gian tới, 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.
Dự báo về kết quả kinh doanh, có 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2022 sẽ tăng trưởng so với quý IV/2021. Trong đó, chủ yếu là “tăng nhẹ” (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm.
Về mặt bằng lãi suất, các TCTD dự báo tiếp tục được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.
Về chất lượng tài sản, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng nhẹ trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trở lại trong quý I/2022.
Mới đây, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cũng thừa nhận, việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn. Theo đó, 4 nguyên nhân chính đã được cơ quan này đưa ra gồm: lãi suất điều hành đang ở mức rất thấp; nguy cơ tăng nợ xấu; rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các TCTD dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam; áp lực gia tăng lạm phát.
Với dư địa chính sách tiền tệ như vậy, không gian cho các ngân hàng thương mại chắc chắn cũng bị thu hẹp.
Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định: “Bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2022 không được tốt như năm 2021. Mặc dù vậy, chúng tôi dự báo lợi nhuận toàn hệ thống tăng ở mức 15-20% thay vì mức 25% ở năm 2021”.
Đồng tình, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng sẽ có mức độ phân hoá lợi nhuận rõ rệt trong năm 2022, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ chi phí vốn rẻ.
“Ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro tăng. Các ngân hàng được chúng tôi theo dõi dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2022", chuyên gia VNDirect đánh giá.
Thanh Hoa