Nhiều ý kiến cho rằng khoản tiền mà Eximbank phải trả cho khách hàng có thể lên đến hơn 300 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi. Đây là một con số “khủng” đối với một ngân hàng vừa “hồi sinh” từ khốn khó. Có lẽ vì thế mà Eximbank đang tìm cách trì hoãn hoàn trả tiền cho khách hàng?
Bằng 30% lợi nhuận sau thuế năm 2017
Mới đây, dư luận xôn xao vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Tp.HCM nhiều lần chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Chu Thị Bình – khách hàng VIP của nhà băng này với số tiền gốc lên đến 245 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là trường hợp mất tiền gửi lớn nhất từ trước đến nay tại Eximbank. Tại buổi làm việc với bà Bình, HĐQT Eximbank đề nghị tạm ứng hoàn trả 14 tỷ đồng nhưng bà Bình cho rằng phương án này không thỏa đáng và yêu cầu trả lại cùng một lúc số tiền này bởi bà đang giữ 3 sổ tiết kiệm gốc tương ứng số tiền đã mất. Tuy nhiên, HĐQT Eximbank không đồng ý yêu cầu này mà chỉ trả lại tiền theo phán quyết của tòa án.
Luật sư Chu Mạnh Cường, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, cho rằng với những trường hợp khách hàng bị mất tiền mà lỗi không phải do họ thì các ngân hàng có uy tín nên chủ động bồi thường.
Theo quy định tại quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định về trách nhiệm của tổ chức nhận tiền tiết kiệm: Tổ chức nhận tiền gửi phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền tiết kiệm. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ trực tiếp thực hiện việc chi trả, bồi thường thiệt hại cho người gửi tiền.
Theo tính toán của một số chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu phải hoàn cả gốc lẫn lãi thì số tiền mà Eximbank phải trả lên đến 301 tỷ đồng sẽ gây thiệt hại lớn về nguồn vốn cũng như lợi nhuận của nhà băng này trong năm nay.
“Số tiền 245 tỷ đồng cao gấp 4,3 lần lợi nhuận sau thuế của_Eximbank_năm 2014, gấp 6 lần lợi nhuận năm 2015, bằng 80% lợi nhuận năm 2016 và bằng hơn 30% lợi nhuận năm 2017”, một chuyên gia cho hay.
Chắc chắn kế hoạch lợi nhuận trong năm nay sẽ phải điều chỉnh giảm so với dự kiến được HĐQT đưa ra hồi đầu năm. Ngoài ra, khả năng vụ việc thất thoát tài sản này sẽ là vấn đề rất nóng được các cổ đông “mổ xẻ” tại đại hội cổ đông thường niên ngày 27/4 tới.
Theo các chuyên gia, hơn 300 tỷ đồng bị chiếm đoạt chưa biết đến khi nào mới thu hồi được, nên số tiền này sẽ được Eximbank đưa vào khoản nợ xấu.
Nợ xấu sẽ tăng?
Kể từ năm 2012, lợi nhuận của Eximbank lao dốc từ hàng ngàn tỷ xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng và đến năm 2017 mới “chuyển mình” trở lại.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, thu nhập chủ yếu của Eximbank là thu nhập lãi thuần giảm nhưng tổng lợi nhuận trước thuế lại tăng vọt so với năm 2016 nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh. Chi phí dự phòng của ngân hàng này năm 2017 chỉ là 604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.089 tỷ đồng năm 2016. Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy vì hoạt động xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, giúp ngân hàng có nguồn hoàn nhập dự phòng đáng kể.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này trong năm 2017 đạt khoảng 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm.
Năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác xử lý nợ tồn đọng, giảm nợ xấu về mức 3% vào năm 2020.
Câu hỏi đặt ra là với số tiền phải hoàn trả cho bà Bình khi có phán quyết chính thức của tòa án, Eximbank sẽ trích từ khoản nào để tri trả?
Theo phân tích của một số chuyên gia, rất có thể Eximbank sẽ chi trả từ nguồn dự phòng rủi ro hoạt động. Đồng thời, ngay trong năm 2018, Eximbank sẽ phải trích thêm chi phí dự phòng tỷ lệ 100% thiệt hại do hoạt động quản trị rủi ro yếu kém. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận kinh doanh năm 2018.
Bên cạnh đó, hơn 300 tỷ đồng bị chiếm đoạt chưa biết đến khi nào mới thu hồi được, nên số tiền này sẽ được Eximbank đưa vào khoản nợ xấu. Như vậy, trong năm nay nếu mục tiêu giảm nợ xấu không đạt kế hoạch, cộng thêm với khoản nợ mới này sẽ khiến nợ xấu của nhà băng này tăng cao.
Vừa “hồi sinh” từ khốn khó, vụ việc trên không chỉ làm tác động lớn đến kết quả kinh doanh trong năm 2018 mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Eximbank. Chắn chắn năm 2018 sẽ là một năm kinh doanh đầy khó khăn của ngân hàng này.
Huyền Anh