Theo đại diện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, hiện Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía Hội sở của Eximbank tại TP.HCM hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng trên cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh.
Lý do là khách hàng trên vay nợ từ Eximbank Quảng Ninh, nhưng những khoản nợ xấu không phải chi nhánh tại Quảng Ninh quản lý, mà do Hội sở trực tiếp quản lý.
Trước đó, như VnBusiness đưa tin, trên mạng xã hội lan truyền về việc một người đàn ông tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,8 tỷ đồng.
Thông báo nhắc nợ của Eximbank AMC gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội. |
Với khoản nợ này, đại diện Eximbank cho biết đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Ngày 15/3, trao đổi với báo chí, ông P.H.A – vị khách trong vụ việc, khẳng định bản thân không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng, và cũng không được ngân hàng gửi thông báo sớm khi bị nợ xấu. Thậm chí, ông cho biết chưa hề nhận được thẻ tín dụng này dù đã ký hồ sơ mở thẻ.
Cụ thể, vào đầu năm 2013, ông A có đề nghị một nhân viên Eximbank chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng. Nhân viên yêu cầu ông A ký vào hợp đồng để thực hiện thủ tục mở thẻ tín dụng. Một thời gian ngắn sau, nhân viên ngân hàng đã hẹn ông A ra trụ sở chi nhánh ngân hàng để làm việc, tuy nhiên hai người chỉ trao đổi tại cửa trụ sở này.
"Nhân viên đưa cho tôi tờ giấy xác nhận ký nhận thẻ. Tôi ký nhận nhưng nhân viên ngân hàng chỉ đưa lại cho tôi một chiếc thẻ ATM thường không phải thẻ tín dụng. Khi tôi hỏi, nhân viên có giải thích vì lương của tôi thấp nên phải xin ý kiến lãnh đạo và khẳng định sẽ làm được. Nhân viên ngân hàng bảo tôi đợi bạn ấy sẽ liên lạc lại sau", ông A kể.
Tuy nhiên, sau một thời gian không nhận được liên lạc từ nhân viên này, ông A cho rằng việc mở thẻ tín dụng của mình không được chấp nhận từ phía ngân hàng "nên cũng thôi".
Chỉ đến năm 2017, vì có nhu cầu vay vốn, ông A mới "tá hỏa" phát hiện mình có nợ xấu bên Eximbank.
Dù rất "sốc" song ông A chủ động đến chi nhánh ngân hàng để xác minh, làm rõ nhưng ngân hàng cho biết ông đã có ký nhận thẻ. Vì vậy, ngân hàng yêu cầu khách hàng A thanh toán gốc và lãi.
Khách hàng A thắc mắc vì sao trong 4 năm trời, ông không hề được thông báo về khoản nợ mà theo ông là "trên trời rơi xuống" này. Điều đáng nói, trong hồ sơ mở thẻ của khách hàng A, ngoài số điện thoại khách hàng đang dùng còn có thêm một số điện thoại (số rất đẹp).
"Tôi có hỏi ngân hàng để làm rõ, thì họ nói rằng ngân hàng có thông báo nợ cho tôi bằng số điện thoại được ghi (bổ sung) trong hồ sơ mở thẻ của tôi và không liên lạc được. Trong khi đó, thông tin địa chỉ nhà tôi đến nay vẫn không thay đổi, số điện thoại của tôi trong hồ sơ cũng không thay đổi nhưng tôi cũng không hề nhận được thông báo nhắc nợ nào qua các thông tin này. Tôi đã yêu cầu ngân hàng chứng minh đã thông báo cho tôi như thế nào thì họ chưa chứng minh được", khách hàng A nói thêm về vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng.
Hơn nữa, ông cho biết sau khi tìm hiểu, chữ ký trong giao dịch quẹt thẻ không phải chữ ký của ông và đã từng có lịch sử đóng lãi cho khoản dư nợ này. Vậy, ai đã thực hiện?, ông A đặt câu hỏi.
Ông cho biết, ngân hàng cũng đã hẹn gặp để giải quyết nhưng ông đã từ chối không gặp. "Tôi đề nghị, để hai bên cùng làm việc, trao đổi với nhau thì cần thể hiện bằng văn bản. Hai là, có sự tham gia của luật sư và báo chí", ông A cho hay.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, cách tính lãi thẻ tín dụng hiện nay của các ngân hàng đang có lợi cho khách hàng nếu thực hiện thanh toán đúng hạn trong thời gian từ 45-55 ngày, lãi suất là 0%.
Tuy nhiên, nếu để nợ quá hạn, dư nợ cộng dồn (dư nợ gốc, phí trả chậm, lãi phát sinh,…), sẽ dẫn tới việc lãi chồng lên lãi và cuối cùng khoản thanh toán của khách hàng sẽ đội lên rất lớn.
Hiện nay, khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20-45% tùy ngân hàng.
Trong trường hợp chủ thẻ không hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào cho ngân hàng và để khoản nợ trễ hạn hơn 60-70 ngày, toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn và phí phạt trả chậm trên tổng dư nợ.
Theo tính toán từ một nhân viên tín dụng tại một ngân hàng quốc doanh, lãi suất bình quân (bao gồm cả lãi trả chậm, phí phạt và các loại chi phí khác bao gồm cả phí thường niên,...) trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãnh thành 8,8 tỷ đồng vào khoảng 5,57% - 5,58%/tháng, tương ứng gần 67%/năm.
Thanh Hoa