![]() |
Các ngân hàng đang gồng gánh nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ: Int). |
Dường như các ngân hàng đang phải gồng gánh nền kinh tế, bởi thị trường vốn, nơi cung cấp dòng vốn trung và dài hạn, đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu, còn quá non trẻ và sản phẩm nghèo nàn.
Chưa kể, theo đánh giá của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, mức đệm vốn của hệ thống TCTD Việt Nam còn mỏng, một số TCTD hoạt động yếu kém tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và an toàn của các ngân hàng. Đây là những điều có thể dẫn đến những rủi ro cho nền kinh tế.
Chia sẻ với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng dịch Covid-19 xảy ra khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, việc tăng vốn không mấy thuận lợi. Thế nhưng, rủi ro tăng càng khiến việc tăng vốn không thể lùi, bởi việc tăng vốn chủ sở hữu được coi là "gối đệm" để ngân hàng đối phó với khủng hoảng và xử lý những thiệt hại nếu xảy ra.
“Ngân hàng nào có vốn mỏng thì chỉ cần vài món nợ mất vốn thì ngân hàng đó có nguy cơ phá sản, nhưng nếu vốn dày sẽ dễ dàng trụ vững. Bởi vậy, trong khó khăn, ngân hàng càng phải tăng vốn để gia cố "gối đệm" và tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu là dễ nhất ”, ông Hiếu nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nói rằng, hệ thống tài chính Việt Nam, về cơ bản, cũng đang bắt nhịp theo những xu hướng chủ đạo trên thế giới như xu hướng chuyển đổi số, thay đổi chính sách tiền tệ - tài khóa trong và sau dịch Covid-19, tái cấu trúc, phát triển tài chính xanh và hội nhập tài chính ngân hàng.
Song là nền kinh tế có độ mở lớn, hệ thống tài chính Việt Nam đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự phục hồi chưa thực sự bền vững của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
“Các ngân hàng đang gồng gánh nền kinh tế”, nguyên nhân do thị trường vốn, nơi cung cấp dòng vốn trung và dài hạn, đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường”, TS. Trần Du Lịch đánh giá.
NHNN cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Đại diện NHNN đánh giá rằng, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Do đó, việc phát triển thị trường tài chính nên đi theo hướng hài hoà giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Đây là điểm nghẽn thực tế trong nhiều năm qua, dù thị trường vốn (gồm trái phiếu và cổ phiếu) đã có nhiều sự thay đổi tích cực trong thời gian qua.
Nhưng trong khi chờ đợi thị trường vốn lớn hơn, áp lực vốn ở các ngân hàng vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Trong năm ngoái, NHNN đã lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn thêm một năm, vì lo ngại nếu áp dụng ngay sẽ dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực: “Khu vực ngân hàng Việt Nam luôn chịu áp lực tăng vốn, do nền vốn còn mỏng trong khi tín dụng, đầu tư tăng khá cao, và nguy cơ nợ xấu có thể tăng là hiện hữu. Dự kiến đến cuối năm nay nợ xấu toàn ngành sẽ tăng, nội bảng gần 4%, gộp là 6%”.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của các ngân hàng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã khuyến nghị Chính phủ, NHNN Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2021-2025.
Huyền Anh