Sau ba năm tái cơ cấu toàn diện, đến năm 2015, kết quả kinh doanh của Vinalines đã khởi sắc hơn, bắt đầu có lãi. Nhờ bán bớt tàu, thoái vốn khỏi nhiều mảng kinh doanh ngoài ngành, cổ phần hoá… tổng công ty ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 40 tỷ đồng.
Khối nợ đang “ngót” dần
Thời gian qua, tổng công ty tập trung tái cơ cấu toàn diện ở ba lĩnh vực chính: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã ổn định trở lại, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo ra doanh thu, lợi nhuận dù chưa có đột biến.
Đáng chú ý, việc xử lý khối nợ của Vinalines cũng được triển khai quyết liệt nhằm giảm bớt dư nợ, cơ cấu giãn nợ, xoá nợ… Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines, dư nợ hiện nay của công ty mẹ còn gần 6.200 tỷ đồng, giảm mạnh tới 46% so với thời điểm ngày 31/12/2013 (dư nợ trước tái cơ cấu là 11.425 tỷ đồng). Như vậy, tổng công ty đã cơ cấu thành công 8.016 tỷ đồng nợ, trong đó khoanh được 1.757 tỷ đồng nợ gốc, giảm được 6.258 tỷ đồng nợ…
Ông Sơn nhấn mạnh, việc xử lý khối nợ này không chỉ thực hiện mục tiêu tái cơ cấu mà là vì “chính sự sống còn của doanh nghiệp trong thời gian tới”. Mục tiêu là phải tiếp tục giảm công nợ xuống quanh mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2016.
Chia sẻ với người viết vào cuối năm 2015, ông Lê Anh Sơn cũng thừa nhận đang có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ nần. Đơn cử: bán nợ, bán tài sản, hoán đổi nợ thành cổ phần cảng biển, đàm phán với chủ nợ cho xoá nợ…
Ngoài ra, Vinalines còn có trách nhiệm xử lý khối nợ tại các đơn vị thành viên cũng rất lớn, mà nan giải nhất là nợ của các công ty vận tải biển thua lỗ. Nếu không xử lý nợ nần, khắc phục thua lỗ của các đơn vị thành viên thì sẽ kéo giảm kết quả kinh doanh chung của toàn tổng công ty.
Trong năm 2015, Vinalines đã thoái vốn thành công tại 17 doanh nghiệp, thu về 1.809 tỷ đồng và lãi 481,4 tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn tái cơ cấu, Vinalines đã thoái vốn khỏi 37 doanh nghiệp, thu về số tiền 2.343 tỷ đồng và ghi nhận lãi 551,4 tỷ đồng. Nhờ đó, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, trang trải nợ nần, cũng như bổ sung vốn kinh doanh.
![]() |
Ngân hàng đề nghị xoá nợ tàu biển cho một công ty của Vinalines song phía doanh nghiệp vẫn muốn “ôm” lại nợ.
Chủ nợ nói “xoá”, con nợ “lắc đầu”
Có thể thấy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ tối đa cho Vinalines xử lý “dọn dẹp” nhanh chóng khối nợ “khủng” thời gian qua. Trong đó, có cơ chế riêng xử lý nợ như: bán cổ phần cho ngân hàng để cấn trừ nợ, bán nợ cho công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), thoái vốn…
Nhờ vậy, khối nợ của Vinalines đã giảm tích cực, từ gần 48.000 tỷ đồng của năm 2013 xuống mức 32.282 tỷ đồng cuối năm 2014. Riêng nợ của công ty mẹ Vinalines đã giảm tích cực, còn khoảng 6.200 tỷ đồng cuối năm 2015 và mục tiêu giảm xuống còn 3.200 tỷ đồng vào cuối năm 2016.
Trong hoạt động xử lý nợ, đang có câu chuyện khá lạ trong cách xử lý nợ tàu biển tại các công ty con của Vinalines. Theo tìm hiểu, được biết, công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông đã rất chật vật xử lý nợ vay của tàu Biển Đông Star. Dư nợ gốc và lãi của tàu này đến cuối tháng 6/2015 còn khoảng 271,3 tỷ đồng và được đảm bảo bằng chính con tàu.
Giá trị tàu Biển Đông Star đến nay chỉ còn lại khoảng 83,2 tỷ đồng và thực tế, tàu khai thác không hiệu quả, không đảm bảo trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.
Chủ nợ lớn nhất- Maritime Bank – đề xuất xoá nợ cho doanh nghiệp và nhận lại tài sản tàu Biển Đông Star, là phương án giảm bớt áp lực tài chính cho “con nợ” và hai chủ nợ ngân hàng. Phương án này đã được Thủ tướng chính phủ chấp thuận._
Thế nhưng, công ty vận tải Biển Đông lại muốn xử lý khối nợ 273,1 tỷ đồng theo hướng khác. Đó là bán lại tàu Biển Đông Star cho công ty DATC hoặc chính “con nợ” – công ty vận tải Biển Đông, kèm theo cam kết chi trả bằng tiền mặt, thay vì trả bằng trái phiếu nợ. Đồng thời, doanh nghiệp muốn mua tàu với giá thị trường của tàu, chứ không mua theo giá tương đương 2/3 giá trị còn lại của tàu.
Được biết, nguyên tắc xử lý khối nợ của Vinalines là tôn trọng thoả thuận giữa chủ nợ (các tổ chức tín dụng) và “con nợ” (doanh nghiệp thuộc Vinalines). Công ty DATC đóng vai trò là bên hỗ trợ đàm phán xử lý nợ và chỉ tham gia xử lý mua lại nợ trong trường hợp con nợ và chủ nợ không thể thoả thuận được.
Công ty Biển Đông đề xuất bán nợ cho DATC hay tự mua lại nợ của mình thì bản chất khối nợ chỉ là chuyển từ ngân hàng về Nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng đang “tha thiết” muốn xoá nợ cho Biển Đông, có lợi cho Nhà nước thì đề nghị này lại càng… kỳ lạ (!?)
Mặc khác, nhiều năm qua, công ty Biển Đông khai thác tàu kém hiệu quả, thua lỗ lớn, không thể trả nợ cho ngân hàng. Vậy vì sao Biển Đông vẫn muốn “ôm” nợ tàu Biển Đông Star, khiến cho ngân hàng khổ sở không thể xử lý, mất dự phòng vì nợ xấu hàng trăm tỷ đồng này?
Trong nỗ lực “giải cứu” những chủ tàu của Vinalines, từ năm 2012 tổng công ty đã khẩn thiết xin các ngân hàng xoá nợ, giảm lãi mà không được.
Động thái quyết liệt mà Vinalines đã làm với Vinashinlines, Falcon, công ty CNTT Cà Mau… là mở thủ tục phá sản, giải thể liệu có lặp lại với công ty thua lỗ, nợ xấu như Biển Đông?
Hải Hà