Dự kiến nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của VietinBank tăng 5 - 10% trong năm 2020. (Ảnh: Int) |
Dư nợ tín dụng đặt kế hoạch tăng 4 - 8,5%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 5 - 10%, phù hợp với sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, báo cáo tài chính quý III, lãi trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 10.364 tỷ đồng, cao hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 99,6% kế hoạch năm. Lãi sau thuế tăng tương đương, ở mức 8.356 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý II và tăng 66% so với đầu năm. Nợ nhóm 5 giảm 43% xuống 4.161 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng gần 5 lần. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,87%.
Tiền gửi khách hàng tăng 5% đạt 939.175 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá hơn 63.075 tỷ đồng, tăng 10,5%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,4%, đạt 958.011 tỷ đồng.
Tại Đại hội thường niên 2020, VietinBank chưa trình chỉ tiêu cụ thể do hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào kế hoạch tăng vốn.
Theo đó, Đại hội cổ đông của VietinBank đã thông qua phương án phát hành tối đa 1,07 tỷ cổ phiếu, chiếm 28,79% số cổ phần đang lưu hành để trả cổ tức cho cổ đông, giá trị tương đương 10.720 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên mức 47.954 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, hiện 3 ngân hàng có vốn nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank đang dần triển khai việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng như giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ.
Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng, bất kỳ hình thức cổ tức nào cũng không cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Những ngân hàng này vẫn cần sớm phát hành riêng lẻ để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 và xa hơn, hoặc việc mất thị phần sẽ tiếp diễn do các ngân hàng tư nhân đang tăng trưởng mạnh.
Hoàng Hà