Phát biểu tại hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ – TTg do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm nay (28/8), , ông Thành cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo, Vietcombank cũng kiến nghị với Chính phủ, NHNN trong việc nâng cao năng lực tài chính.
Vietcombank kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước |
Theo đó, Chủ tịch Vietcombank kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN).
“Đối với các NHTMNN hiện nay, việc tăng vốn điều lệ là cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi vì theo tính toán tỷ lệ an toàn vốn hiện nay, chứ chưa tính đến việc phải áp dụng theo Basel 2, các ngân hàng đã chạm đến ngưỡng tỷ lệ an toàn. Còn nếu áp dụng theo Basel 2 thì tỷ lệ này chắc chắn chưa đạt”, vị Chủ tịch Vietcombank nói.
Từ đó, ông Thành kiến nghị cho phép các NHTMNN được giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, liên quan đến các cơ chế thoái vốn, ông Thành cũng nêu lên khó khăn về cơ chế khiến các ngân hàng khó bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, vừa qua Vietcombank đã được Chính phủ, NHNN cho phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên quá trình thực hiện gặp khó khăn do quy định phải bán lô lớn và giá cũng không được thấp hơn giá định giá và giá thị trường, yêu cầu nhà đầu tư phải nắm giữ một năm không được giao dịch.
“Với quy định này là rất khó khăn khi mà giá cổ phiếu trên thị trường liên tục biến động”, ông Thành khẳng định.
Vì vậy Chính phủ và các cơ quan liên quan cần rà soát lại cơ chế trên cơ sở làm sao để đảm bảo quyền lợi của cơ quan nhà nước, của cổ đông cũng như đảm bảo được triển khai hiện hữu trong thực tế.
Đầu năm 2018, Chính phủ và NHNN đã chấp thuận cho Vietcombank phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tối đa không quá 10 nhà đầu tư.
Tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4, lãnh đạo Vietcombank cho biết, Quỹ đầu tư GIC của Singapore bày tỏ sự quan tâm đến việc mua 10% cổ phần của Vietcombank.
Trước đó, vào năm 2016, Vietcombank định chuyển nhượng 305,8 triệu cổ phần (7,73%) cho Quỹ này, tuy nhiên giá mà GIC chào ra cho thương vụ này chỉ dưới 400 triệu USD, nếu quy ra giá trị thì giá mua của GIC khoảng 29.130 đồng/cổ phiếu, mức giá này chỉ khoảng hơn 50% thị giá vào thời điểm đó của VCB (thời điểm tháng 8/2016 cổ phiếu VCB ở mức khoảng từ 53.000 - 57.000 đồng/CP).
Đến nay thương vụ này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do vướng cơ chế.
Hoàng Hà