Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 20/12/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,3%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5% (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 12,1%, so với mức tăng 13,3% cùng kỳ năm 2018.
Mức tăng trưởng tín dụng này còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm.
Cũng trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 19/11/2019.
Tăng trưởng tín dụng gần hết năm 2019 mới chỉ đạt 12,1% (Ảnh Internet) |
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế mức tăng trưởng tín dụng trên đang thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2%-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6%-7,5%/năm.
Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Vũ Trọng