Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nhằm đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với vốn tín dụng hơn, NHNN thực hiện chủ trương công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
“Nhiệm vụ tín dụng là rất quan trọng và NHNN chủ trương tập trung quyết liệt ngay từ đầu năm. Các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay để khách hàng biết và lựa chọn. Cái này không có chế tài phạt, nhưng người dân và doanh nghiệp sẽ biết, giám sát”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Nhiều ngân hàng than khó công khai lãi suất cho vay bình quân (Ảnh minh họa). |
Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay cũng như giá vốn, nợ xấu… của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, chủ trương này, các ngân hàng cho rằng khó thực hiện cho mọi đối tượng khách hàng và các kỳ hạn.
Cụ thể, ông Hồ Việt Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết việc công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với ngân hàng "không vấn đề gì", bởi mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra với khoản vay ngắn hạn không lớn, do đó khách hàng không phản ứng.
Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, việc công khai lãi suất cho vay rất khó khăn cho ngân hàng. Ông Tiến dẫn chứng: "Thời gian vừa rồi, chúng tôi đã giảm lãi suất 1,5% - 2%, có khách hàng được giảm tới 3%, đến nay có khách hàng vay lãi suất trung và dài hạn chỉ 10%/năm - 11%/năm nhưng vẫn phản ứng với ngân hàng với lý do lãi suất huy động đầu vào hiện chỉ 6 – 7%/năm là cao nhất, thậm chí huy động kỳ hạn ngắn chỉ 2,7%. Nếu chúng tôi áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân của cả ngân hàng thì các khách hàng vay cũ sẽ phản ứng, tiếp tục đòi giảm lãi suất mà họ đang phải chấp nhận trả, mặc dù có thể trước đây 12 tháng, họ đã được ưu đãi. Đây là khó khăn với ngân hàng".
Do đó, Tổng Giám đốc LPBank đề nghị NHNN xem xét lại việc công bố lãi suất cho vay bình quân.
Trong khi đó, lãnh đạo Techcombank kiến nghị chỉ nên quy định công khai lãi suất cho vay bình quân với nhóm khách hàng cá nhân. Bởi, lãi suất cho vay doanh nghiệp được quyết định bởi nhiều yếu tố như nhóm doanh nghiệp, mức độ rủi ro, quy mô khách hàng, dịch vụ khách hàng, có tài sản đảm bảo hay không, thời gian vay dài hay ngắn... Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập.
Không chỉ khối ngân hàng thương mại cổ phần, các "ông lớn" quốc doanh cũng "than" khó khi công bố lãi suất cho vay bình quân.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ mong muốn chỉ tập trung công khai lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân. Bởi, khách hàng doanh nghiệp có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân.
Đồng quan điểm, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV đánh giá, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là phù hợp nhưng đối với khách hàng tổ chức chưa thực sự phù hợp. Ông Long đề nghị NHNN xem xét, hướng dẫn cách thức công bố hoặc định kỳ công bố những thông tin này sẽ phù hợp hơn đối với các tổ chức tín dụng.
Về những ý kiến này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện, ngành ngân hàng phải thực hiện. Đó là kỷ cương điều hành.
"Trong khi chúng ta phấn đấu để có sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh thì các ngân hàng đều phải phấn đấu. Việc công bố không có gì khó khăn. Đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Vì vậy, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất. Đề nghị các đồng chí thực hiện tốt", ông Tú nhấn mạnh.
Phó Thống đốc thông tin, trước mắt nếu các ngân hàng chưa thực hiện, NHNN chưa có chế tài vì cũng chưa có quy định, văn bản nào chế tài về vấn đề này, "song chế tài của dư luận mới là cái khó, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn".
Thanh Hoa