Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong hội nghị với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh vào sáng 7/12.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị có tinh thần như "Hội nghị Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 tăng 9,15% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 3 điểm phần trăm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao do đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% tổng tín dụng chung.
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn cho rằng lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế còn khó khăn; hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp khó khăn; còn những vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Do đó, các đại biểu đề xuất tháo gỡ khó khăn về pháp lý, lãi suất, tài sản đảm bảo, cơ cấu nợ, hạn mức vốn vay… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không? Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng có dự án khả thi thì có cho vay được không?
Dẫn chứng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn, tuy nhiên, Thủ tướng đặt vấn đề về trách nhiệm chung của các đơn vị này khi trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, để cùng đóng góp và "cần cả sự hy sinh, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc nào dứt việc đó".
"Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế nên bước đi phù hợp và phải có lộ trình để sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn hành chính, tiến tới thị trường đầy đủ theo chuẩn quốc tế", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Song song với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ và gói tín dụng ưu đãi 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng; hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Hoa