Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay các dự án xanh nhằm bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Các ngân hàng đang hướng đến tín dụng xanh thông qua việc dành nguồn vốn ưu đãi để cho vay các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống mà không gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường, xã hội.
Dư địa lớn cho tín dụng
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến thời điện hiện tại chưa có con số cụ thể về tăng trưởng tín dụng cho các dự án xanh, nhưng nhìn vào cơ cấu tăng vốn của các ngân hàng gần đây có thể thấy dòng vốn đang “chảy” mạnh vào các dự án xanh. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực là nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn, lâm nghiệp bền vững.
Tại BIDV, tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ đối với các dự án xanh là hơn 20 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, dư nợ dự án xanh tăng mạnh kể từ cuối năm 2019. Tính riêng quý IV, tỷ trọng doanh số cho vay các dự án xanh của BIDV chiếm 47,85% của cả năm 2019.
Hiện nay, BIDV đã ban hành gói tín dụng riêng (7.000 tỷ đồng) dành cho nhóm khách hàng đầu tư vào lĩnh vực xanh nhằm hỗ trợ phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời hạn vay tối đa 10 năm, với lãi suất ưu đãi tối đa 5 năm. BIDV cũng đang tiếp cận nguồn vốn SUNREF thuộc gói tín dụng xanh do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, trị giá 100 triệu USD, tài trợ cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và tiết kiệm.
Không chỉ BIDV, nhiều ngân hàng gần đây cũng liên tục triển khai chương trình ưu đãi cho vay với doanh nghiệp để thực hiện các dự án xanh.
Trong tháng 8/2020, VietinBank triển khai sản phẩm dịch vụ với mục tiêu tài trợ vốn đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được EVN ủy quyền. Quy mô gói cấp tín dụng cho sản phẩm này lên tới 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,1%. Đặc biệt, VietinBank áp dụng cơ chế nhận tài sản bảo đảm linh hoạt theo từng khách hàng.
Mới đây, VPBank đã chính thức công bố chương trình tín dụng xanh dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn với mục đích đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường: vay tài trợ dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường…
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước về dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2016-2019. |
Còn nhiều thách thức
Theo Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam gồm các lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch lâm nghiệp bền vững, phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Cùng với đó, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn cụ thể về các danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất trên cả nước, dẫn tới thiếu cơ sở, căn cứ để các ngân hàng thương mại lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê khẳng định, hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh… Đó là chưa kể các phương án kinh doanh, dự án tham gia phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Bởi vậy, nếu không có hỗ trợ lãi suất, các khách hàng sẽ chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận: “Hệ thống ngân hàng đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh như hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh chưa có các tiêu chí cụ thể để các ngân hàng có căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”.
Có thể nói, các dự án xanh được được xem là lĩnh vực ưu tiên cho vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2-9,4%/năm, các khoản vay trung dài hạn khoảng 9,4-11,4%/năm.
Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, đặc thù cho vay của các ngân hàng đối với các dự án xanh còn nhiều khó khăn như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn và trung hạn. Vì vậy, lãi suất cho vay các dự án xanh chưa giảm nhiều so với một số lĩnh vực ưu tiên khác.
Từ những bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, kế hoạch triển khai hành động để phát triển tín dụng xanh. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách cho các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận với gói vay.
Thanh Hoa