Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu |
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng – ngân hàng xanh góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay còn gặp một số khó khăn.
Chẳng hạn như, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Do đó, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh, các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các TCTD.
Ngoài ra, chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Hơn nữa, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; đồng thời đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.
Theo đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1064), phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Thanh Hoa