Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cuối năm mong muốn lãi vay tiếp tục được ngân hàng giảm thêm. (Ảnh: Int) |
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua ngân hàng đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... là rất tốt, nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn do Covid-19. Do vậy, ngân hàng cần giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp.
Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn than... khó
Theo ghi nhận, làn sóng giảm lãi suất đầu vào tại nhiều ngân hàng thương mại đã diễn ra từ đầu tháng 10 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vừa qua, một loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, nhất là kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm.
Thực tế, trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, đón nhận thông tin này nhiều doanh nghiệp không mấy vui mừng và cho rằng lãi suất vẫn neo ở mức cao.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ đang rơi vào tình trạng lãi vay giảm không tương xứng với lãi suất huy động do sau thời gian áp dụng cố định, lãi suất sẽ được tính dựa trên lãi suất huy động cộng với biên độ dao động từ 3,5 - 4,5%/năm nhưng lại không được thấp hơn mức sàn lãi suất cho vay hiện tại.
Do vậy muốn hưởng lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp buộc phải xoay được dòng tiền để trả nợ trước hạn, nếu không đành chịu lãi suất cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc xoay được dòng tiền không phải dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sơn Vinh, giám đốc một công ty cơ khí tại Hà Nội cho biết, hiện lãi suất huy động giảm rất mạnh nhưng với khoản vay 6 tháng của doanh nghiệp ông, ngân hàng quy định 3 tháng đầu lãi suất vay sẽ cố định, 3 tháng sau thả nổi theo thị trường và được tính trên cơ sở lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cộng với khoản chênh lệch 3,5%/năm, lãi vay phải trả lên đến 8,8%/năm.
Việc lãi suất huy động giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao không phải là điều cơ quan quản lý không nhận thấy. Bởi trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh các ngân hàng thương mại tiết tục cắt giảm chi phí, tính toán để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Giảm lãi suất nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng để phát triển bền vững, ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp với ngân hàng là cộng sinh, doanh nghiệp ăn nên làm ra thì ngân hàng cũng phát triển.
Tuy nhiên, một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong thời điểm này việc giảm lãi suất không phải là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tín dụng, vì nút thắt tín dụng là tổng cầu vẫn suy giảm. Bên cạnh đó các ngân hàng đang cẩn thận trong hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Trước lo ngại nợ xấu có thể tăng lên, ông Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng lo nợ xấu tăng nên thận trọng trong cấp tín dụng là điều hợp lý. Vì thế, van mở cho tăng trưởng tín dụng không phải là lãi suất mà làm sao để các ngân hàng mạnh dạn cho vay nhiều hơn.
Về phía ngân hàng, lãnh đạo một nhà băng thừa nhận, ngân hàng vẫn tìm nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhưng việc cấp tín dụng mới được triển khai thận trọng bởi quan điểm của ngân hàng là giảm lãi suất nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm.
Mới đây nhất, hôm 15/12, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay với tất cả các khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể, đối tượng được giảm lãi suất trong lần này là các doanh nghiệp khắp cả nước, kể cả dư nợ cũ và mới bằng VNĐ. Mức lãi suất được giảm là 1%/năm so với lãi suất hiện hành. Thời gian áp dụng trong 3 tháng, từ 15/12/2020 đến 15/3/2021.
Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, lần giảm lãi suất này có quy mô rộng hơn các lần trước. Những khách hàng đã được vay ưu đãi trước đó nếu lãi suất vẫn cao (ví dụ 7%) thì vẫn được giảm tiếp xuống 6%/năm. Nếu khách hàng đã được hưởng ưu đãi với lãi suất 5,5% trở xuống thì không được giảm nữa.
Diễn biến này cho thấy rằng, nhiều khả năng làn sóng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ tiếp tục lan tỏa và tạo ra sự cạnh tranh sôi động trong tháng còn lại của năm 2020 và có thể kéo dài sang những tháng đầu năm 2021.
Thanh Hoa