Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán vừa qua, các chuyên gia cho rằng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng rất tích cực thúc đẩy điều này, tuy nhiên còn rất nhiều rào cản để có sự bứt phá.
Kỳ vọng lớn, hiệu quả chưa cao
Một chuyên gia chia sẻ: "Trước đây, "tiền tài là vật bất ly thân", nhưng thời nay ra đường mà không mang điện thoại mới chính là nỗi lo lớn nhất của nhiều người, còn lỡ quên ví tiền thì cũng chẳng sao cả". Sự phát triển vũ bão của các thể loại ví điện tử và "cơn sóng" thẻ tín dụng từ các ngân hàng thực sự đã chạm đến từng người, từng nhà.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng thanh toán điện tử Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong vài năm qua, nhưng so với thế giới thì tốc độ vẫn còn rất thấp.
Đồng quan điểm, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, dẫn số liệu thanh toán không tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,6%, giảm so với thời kỳ trước đây nhưng mức độ giảm còn khá chậm. Ngoài ra, lượng tiền mặt/GDP của Việt Nam lại có xu hướng tăng lên, khoảng 19% năm 2017 và so với quốc tế còn rất lớn.
Từ đó, ông Lực cho rằng so với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm trung bình về tốc độ thanh toán điện tử, về cả số tiền lẫn giao dịch thanh toán, thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn.
Các chuyên gia khẳng định, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì không thể thiếu dịch vụ thanh toán. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết: "Những kỳ vọng vào ví điện tử và dịch vụ thanh toán trung gian hiện nay là rất lớn nhưng hiện tại mới có khoảng 60 triệu giao dịch, giao dịch lớn nhất là 5 triệu đồng, còn lại phần lớn chỉ dao động trong ngưỡng trên dưới 200.000 đồng".
Do đó, việc sửa đổi Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán là cần thiết để khuyến khích, quản lý ví điện tử, đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước về tính bền vững của thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn bất cập trong quy định dự thảo mới của NHNN.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp (DN) trung gian dự hội thảo đề xuất cần xem lại quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, 20 triệu đồng/ngày.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, cho rằng cần cởi bỏ hơn nữa về hạn mức cho ví điện tử, bởi thực chất ví là đựng tiền lẻ. Vì thế, đối với tiền lẻ có ngày tiêu nhiều, có ngày tiêu ít nhưng hạn mức trung bình cần có khảo sát kỹ càng trước khi đưa ra con số cuối cùng là 20 triệu đồng/ngày.
Ví điện tử được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng khó bứt phá |
Linh hoạt định mức tài khoản
Theo bà Dương, có thể trao cho người dùng quyền được điều chỉnh hạn mức theo nhu cầu. Tuy nhiên, cần phải xác thực điều chỉnh gắn với OTP và gửi vào tin nhắn của người sử dụng để tránh trường hợp bị hack tài khoản hoặc lợi dụng do tính bảo mật của ví điện tử không cao bằng tài khoản ngân hàng nên người dân có thể bị mất tiền.
Bất cứ một quy định nào khi đi vào thực tiễn cũng cần phải cân nhắc các nhu cầu hiện tại. Chẳng hạn có nhu cầu chỉ khoảng dưới 20 triệu đồng nhưng cũng có nhu cầu trên 20 triệu đồng.
Bà Dương lấy ví dụ, nếu chủ ví cần mua vé máy bay cho cả nhà (4 người) đi du lịch thì có thể phải trả số tiền hơn 20 triệu, nếu phải tách hoá đơn đó ra làm hai ngày thì có thể ngày hôm sau sẽ phải chịu mức giá vé cao hơn. Do đó, cần có sự linh hoạt trong định mức tài khoản.
Liên quan đến quy định về hạn mức giao dịch cho ví điện tử, ông Lực cũng bày tỏ băn khoăn: "Nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn 5 ngày trong một tháng thì sao? Phải chăng nên cân nhắc mức đối đa một tháng lớn hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều. Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn, như 150 triệu đồng hay 200 triệu đồng chẳng hạn".
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo quy định ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán là chưa hợp lý.
Theo ông Lực, ngân hàng không thể có công cụ kiểm soát, giám sát để kiểm tra đối ứng với tài khoản đảm bảo thanh toán đối với khoản tiền đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ thực tế đã thu hộ, chi hộ cho khách hàng (nên là các trung gian thanh toán).
Còn ngân hàng có trách nhiệm giám sát các tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng hợp tác cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của các giao dịch thu, chi hộ của các đơn vị trung gian thanh toán tại ngân hàng.
Đồng quan điểm, đại diện Techcombank cho rằng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải tách bạch với tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng.
Huyền Anh