Phản ánh với VnBusiness, anh L.Đ.A (Hà Nội) cho biết, giữa tháng 10/2021 anh đến chi nhánh ngân hàng TPBank trên đường Hoàng Đạo Thúy để vay 600 triệu đồng mua ô tô phục vụ nhu cầu kinh doanh của gia đình, nhưng để tiếp cận được khoản vay này, anh phải mua gói bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng.
Muốn vay vốn phải... "Bia kèm lạc"
Anh L.Đ.A cho biết, quá trình hoàn tất hồ sơ, anh được nhân viên duyệt hồ sơ yêu cầu mua gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 triệu. Nhưng do cả gia đình 4 người đã mua đầy đủ bảo hiểm nên anh từ chối. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thuyết phục: “mua thêm để tích lũy”, đồng thời khẳng định: “anh mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ, sếp em mới duyệt hồ sơ nhanh”.
Khách hàng tố TPBank "bán bia kèm lạc". |
Anh L.Đ.A bức xúc: Hai tháng nghỉ dịch, nguồn thu nhập của gia đình sụt giảm mạnh, kẹt tiền quá tôi mới phải vay ngân hàng để kinh doanh. Nếu vay được hằng tháng tôi đều phải trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng mà còn bắt buộc phải mua bảo hiểm nữa, còn tiền đâu cho chi phí sinh hoạt hằng ngày.
"Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ có nợ xấu ngân hàng nào, nếu được vay tôi cũng phải thế chấp tài sản đảm bảo là ô tô. Vậy thì hồ sơ của tôi “xấu” ở điểm nào để ngân hàng không duyệt mà phải bắt khách hàng mua bảo hiểm mới giải ngân”, anh L.Đ.A thắc mắc và cho biết, do bị “ép” phải mua bảo hiểm mới được vay vốn nên anh đã phải chuyển sang vay ở một ngân hàng khác.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng thẳng thừng từ chối như anh Đức Anh. Hầu hết tâm lý khách hàng khi cần tiền đều mong muốn nhanh chóng được vay vốn, nên họ sẵn sàng chấp nhận chi thêm vài chục triệu để mua bảo hiểm. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Quang Đức ở Hà Nội kể “Tôi từng đi vay 4 tỷ đồng ở một ngân hàng trong nước nhưng bị họ bắt phải mua gói bảo hiểm 50 triệu đồng. Dĩ nhiên tôi vẫn phải cắn răng mua, mua để được vay, vay xong là bỏ gói bảo hiểm đó luôn chứ tiền đâu mà duy trì đóng theo hạn?”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã tồn tại hơn 20 năm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.
Thực tế, chuyện người đi vay bị ngân hàng "ép" mua bảo hiểm thì mới được giải ngân có lẽ không phải chuyện hiếm thời gian qua. Về mặt giấy tờ, trông có vẻ người đi vay mua bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện, nhưng thật ra, họ đều bị ép buộc phải mua. Cứ hình dung, làm gì có ai đang thiếu tiền, phải đi vay mà lại còn muốn mua thêm bảo hiểm nhân thọ?
Ngân hàng dồn áp lực lên vai khách hàng?
Quá trình tìm hiểu để viết bài, PV tiếp cận nhiều doanh nghiệp, họ chia sẻ: Việc ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm mới chịu giải ngân đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Giám đốc một công ty dịch vụ in ấn, quảng cáo tại Hà Nội đặt vấn đề: “Chính sách này xuất phát từ đâu? Sai hay đúng? Nếu là sai thì tại sao các cơ quan chức năng không xử lý mà lại làm ngơ suốt một thời gian dài đến vậy?”.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên học viện Tài chính cho rằng, việc kết hợp bán bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thời gian qua khá hiệu quả. Thông qua hoạt động này, ngân hàng mang về khoản lợi nhuận khả quan cũng như giúp nhân viên có thêm thu nhập. Đồng thời giúp ngành bảo hiểm ngày càng phát triển.
Trên thực tế từ đầu năm đến nay nguồn thu từ bảo hiểm đã đóng góp lớn vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Ví dụ, trong 9 tháng đầu năm, MB ghi nhận 5.656 tỉ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, so với cùng kỳ năm trước đạt 3.937 tỉ đồng. Tại TPBank, trong ba quý đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 696 tỉ đồng, so với cùng chỉ chỉ đạt 394 tỉ đồng…
Cũng do lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm mang lại, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh kinh doanh mảng này. “Họ giao chỉ tiêu kinh doanh kèm theo hợp đồng bảo hiểm, tức là 1 năm cán bộ phải đem vào bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm... Điều này tạo ra áp lực cho cán bộ. Và khi bị áp lực thì các cán bộ có thể tìm mọi cách để có thể bán được bảo hiểm", ông Thịnh cho hay
Chị Nguyễn Thị Nhung nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội tiết lộ, việc ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là quy định "bất thành văn" tại ngân hàng, do phí bảo hiểm đem lại nguồn lợi "khủng" cho cả nhà băng lẫn công ty bảo hiểm. Theo nhân viên này, mức phí mà ngân hàng được hưởng lên đến 40% trên tổng tiền phí bảo hiểm năm đầu, trong đó bản thân nhân viên được 10%, giám đốc chi nhánh 4%.
Theo quy định của chi nhánh, tính bình quân mỗi tháng nhân viên phải đạt doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng. Nếu dưới mức này thì coi như không được hưởng đồng nào, thậm chí xác định nguy cơ bị cho thôi việc.
“Trong quý III hầu hết nhân viên tại chi nhánh không đạt định mức do ảnh hưởng dịch bệnh, các giao dịch, hoạt động tạm dừng. Vì vậy, áp lực dồn sang quý IV, điều đó bắt buộc nhân viên “tăng tốc” để đạt được mục tiêu”, chị Nhung cho hay.
Thực tế, thời gian qua Bộ Tài chính, ngân hàng Nhà nước từng có công văn chấn chỉnh tình trạng "bán bia kèm lạc" này, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng, doanh nghiệp "ép" khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Ngân hàng, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn không giảm và chưa có trường hợp nào được cơ quan quản lý công khai, xử lý để làm gương răn đe.
Liên quan đến phản ánh của khách hàng, phía ngân hàng TPBank vẫn im lặng, chưa có lời giải thích khi phóng viên VnBusiness trao đổi với TPBank để tìm hiểu sự việc.
Thanh Hoa