Mua lại trái phiếu nhằm xóa dấu vết của nợ xấu?
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia của công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).
Tính đến quý II/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, giảm so với tỷ lệ 2,5% vào cuối năm 2022. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư rất nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp vì một phần trong số đó là trái phiếu bất động sản, trong khi ngân hàng thì luôn ưu ái cho tín dụng liên quan đến bất động sản. Đáng chú ý, còn có hiện tượng là nhiều bên liên quan của các ngân hàng phát hành trái phiếu và ngân hàng mua trái phiếu để hỗ trợ những doanh nghiệp "sân sau" của mình.
Mặc dù Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hết 31/12/2023 để thực hiện cam kết (nếu có) đối với các trái phiếu đã bán ra trước đó, ACBS nhận thấy hầu hết các ngân hàng đã giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro tín dụng của các nhà phát hành vẫn đang ở mức cao.
Doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, đồng thời áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi nhiều mã trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2023. |
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhiều ý kiến lo ngại ngân hàng sẽ lợi dụng điều này để mua lại trái phiếu doanh nghiệp "sân sau" là có khả năng. Ví dụ, một doanh nghiệp A phát hành trái phiếu hoặc có nợ với ngân hàng, nhưng khi đến thời hạn trả nợ gặp khó khăn và doanh nghiệp có công ty con là doanh nghiệp B, phát hành trái phiếu, ngân hàng sẽ mua trái phiếu của doanh nghiệp B, sau đó doanh nghiệp B dùng tiền đó trả nợ mà doanh nghiệp A đang nợ ngân hàng.
Đây là cách để xóa đi dấu vết của nợ xấu của doanh nghiệp A nếu không trả được nợ cho ngân hàng, đồng thời làm đẹp hơn bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng không chỉ có bảng cân đối kế toán đẹp mà còn không phải trích lập dự phòng rủi ro.
“Trong trường hợp nợ của doanh nghiệp A lên đến mức nợ xấu nhóm 5, phải trích lập dự phòng 100% trên tổng dư nợ của doanh nghiệp A với ngân hàng và đại chúng là những người bỏ tiền đầu tư vào ngân hàng, đến ngân hàng gửi tiền sẽ không thấy ngân hàng có vấn đề gì, nhưng hậu quả về sau này rất lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Áp lực 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn
Theo ACBS, tính đến cuối quý II/2023, tỷ lệ nợ xấu danh mục trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối của các ngân hàng vẫn ở mức xấp xỉ bằng 0%.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Trung Nam… Nhờ nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 2 năm) nên những trái phiếu doanh nghiệp trên không bị chuyển thành nợ xấu.
Dẫn số liệu thống kê của Fiingroup, ACBS cho biết tỷ lệ nợ mất khả năng thanh toán (bao gồm cả nợ được gia hạn) đối với trái phiếu doanh nghiệp đến cuối quý II/2023 là 26,9% và dự báo sẽ tăng lên 40% vào cuối năm 2023.
Theo nhóm phân tích, kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 30% vốn vay của các công ty bất động sản hiện vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá. ACBS dự báo doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, đồng thời áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2023.
Việc thiếu nguồn cung bất động sản chất lượng tốt khiến tiến độ bán hàng chưa thực sự khởi sắc dù lãi suất cho vay đã giảm 2% - 3% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, dòng tiền vẫn còn bị tắc nghẽn trong khu vực dân cư và bài toán thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa giải quyết triệt để.
Mặc dù Chính phủ và các ban ngành đã có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, tuy nhiên, ACBS cho rằng sẽ cần nhiều thời gian để có thể khai thông thị trường này.
Còn theo thống kê của công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS), đến cuối quý II/2023, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng giảm 12% còn 200.715 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục giảm khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh và khó khăn chung của ngành bất động sản vẫn còn tiếp diễn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2021, bất động sản là ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, trong đó có trên 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp thuộc các doanh nghiệp chưa niêm yết với "sức khỏe" tài chính ở mức đáng báo động và hầu hết bên mua là các ngân hàng thương mại hoặc các công ty chứng khoán.
“Sang năm 2023, thị trường đầy lo âu về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường có gần 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn”, ông Hiếu dự báo.
Thanh Hồng