Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm hai lần nữa, nâng lãi suất tại Mỹ lên trên 2%, Việt Nam có thể đối mặt với tỷ giá tăng 1-3%.
Đúng như dự báo của giới chuyên gia và các nhà đầu tư, ngay sau phiên họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, FED đã đưa ra tuyên bố nâng các mức lãi suất cho vay chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm, lên các mức 1,5% và 1,75%.
Thị trường trong nước bình lặng
Sau quyết định của FED, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến khá bất ngờ: Vàng tăng mạnh trong khi USD tiếp tục mất giá.
Cụ thể, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm tới 0,7% trong phiên giao dịch hôm thứ Tư sau khi quyết định chính sách của FED được công bố,_mức giảm hàng ngày mạnh nhất trong gần 2 tháng qua.
Sang đến phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số USD có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Đầu phiên giao dịch, trên thị trường thế giới, chỉ số USD đo lường biến động so với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 89,76 điểm. USD đứng ở mức: 1 Euro đổi 1,2309 USD; 105,49 Yên đổi 1 USD_ và 1,4111 USD đổi 1 bảng Anh.
Tuy nhiên, ghi nhận tại thị trường Việt Nam, quyết định tăng lãi suất của FED không ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, ngày 22/3 NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.429 đồng (giảm 7 đồng).
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.106 đồng (tăng 2 đồng). Còn một số ngân hàng như Vietcombank và BIDV niêm yết ở mức 22.735 đồng (mua) và 22.805 đồng (bán)._
Trong sáng 23/3, tỷ giá trung tâm của NHNN đã tăng trở lại 3 đồng lên 22.455 đồng/USD. Còn một số ngân hàng như ACB mua vào 22.760 đồng và bán ra 22.830 đồng/USD, VietinBank lần lượt là 22.740 đồng và 22.820 đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, để giữ được ổn định của tỷ giá trước biến động về việc tăng lãi suất của FED là do chính sách ngoại hối của NHNN được điều tiết khá hợp lý, với cơ chế tỷ giá trung tâm dao động hàng ngày đang là công cụ rất hữu hiệu để quản lý thị trường ngoại tệ.Hơn nữa, NHNN đang có nguồn dự trữ ngoại hối lên tới khoảng 60 tỷ USD, đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng hiện nay, kinh tế trong nước chưa vào giai đoạn nóng về tăng trưởng và xuất nhập khẩu, trong khi đồng USD liên tục mất giá, tỷ giá trung tâm lại liên tục tăng đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Để giữ được ổn định của tỷ giá trước biến động về việc tăng lãi suất của FED là do chính sách ngoại hối của NHNN được điều tiết khá hợp lý, với cơ chế tỷ giá trung tâm dao động hàng ngày đang là công cụ rất hữu hiệu để quản lý thị trường ngoại tệ.
Không nên chủ quan
Theo Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tính đến cuối tháng 2, tỷ giá trung tâm tăng 0,13% so với cuối năm 2017. Tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,12%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,22%.
Do vậy, các chuyên gia nhận định những biến động thời gian qua không những chưa tạo áp lực lên tỷ giá mà còn hỗ trợ mạnh cho hoạt động XK.
Ông Hiếu cho biết nhu cầu vay vốn bằng đồng ngoại tệ vẫn cao khi NHNN tiếp tục gia hạn cho phép các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay XK bằng USD để có lãi suất thấp, nhưng phải bán USD cho các ngân hàng thương mại. “Cũng có thể NHNN đang “mở van” tỷ giá để hỗ trợ cho hoạt động XK”, ông Hiếu nhận định.
Phân tích về “đường đi” của tỷ giá trong năm 2018, NFSC cho rằng tỷ giá tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố như: cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tính đến 15/2, cán cân thương mại thặng dư 1,6 tỷ USD so với đầu năm; Đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018; Triển vọng về nguồn vốn gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực.
Do đó, NFSC nhận định: “Tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 – 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng XK của Việt Nam”.
Trái với nhận định khả quan của NFSC, ông Hiếu cho rằng 9 tháng cuối năm sẽ có những yếu tố tác động lên nền kinh tế trong và ngoài nước khiến tỷ giá có thể tăng 1-3%.
Ngoài yếu tố khách quan như việc FED dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất là 2 lần nữa trong năm nay, còn có những tác động từ yếu tố chủ quan trong nước.
Chẳng hạn, nếu phát triển GDP khả quan thì cả nước có thể phải tăng lượng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, từ đó sẽ đẩy nhu cầu USD tăng tạo áp lực lên tỷ giá.
Nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay của NHNN khoảng 60 tỷ USD, chỉ ngấp nghé 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế, các nước đủ dự trữ ngoại hối là đủ cho 3 tháng nhập khẩu, nên chưa thể nói là Việt Nam dư thừa ngoại hối để giúp tỷ giá ổn định trước những biến động khó lường và khó dự báo của nền kinh tế trong thời gian tới.
Huyền Anh