Đây là nội dung mới tại Thông tư 04 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1/8 năm nay. Trước đó, nội dung này được các ngân hàng kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Theo Thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước quy định 4 hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm: Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; Tiền gửi có kỳ hạn; Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành; Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các TCTD.
Khách hàng chỉ bị tính lãi suất không kỳ hạn với phần tiền gửi rút trước kỳ hạn, phần còn lại vẫn được tính lãi bình thường theo thỏa thuận trước đó với ngân hàng. |
Cụ thể, trong trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi. Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Ví dụ, khách hàng A có khoản tiết kiệm tại ngân hàng 500 triệu, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5% một năm, đến hạn ngày 1/6/2022. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này là 0,1% một năm. Người này có việc gấp và rút sổ trước hạn 200 triệu đồng ngày 1/5, theo đó, khoản 200 triệu này sẽ được tính lãi không kỳ hạn (0,1% một năm). Khoản tiền gửi còn lại là 300 triệu đồng vẫn sẽ được tính lãi suất 5% một năm cho đến ngày đáo hạn.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Trên thực tế, với quy định trước đây không ít trường hợp người gửi tiền vì có việc gấp nên phải rút tiền trước hạn và chấp nhận mất trắng tiền lãi, hoặc phải cầm cố sổ để vay lại ngân hàng hoặc mượn người khác khi có việc cần vì không muốn chịu thiệt khi rút trước hạn sổ tiết kiệm.
Như vậy, quy định mới giúp khách hàng được hưởng lợi hơn so với quy định trước đó. Đồng thời, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi của người dân trong tháng 3/2022 tăng hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng này ở các tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 103.000 tỷ đồng và 56.000 tỷ đồng.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, không chỉ tiền gửi cư dân, mà tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng nhanh, riêng trong tháng 3/2022 tăng tới 228.300 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.
T.H