Dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất thỏa thuận khi rút tiền gửi trước hạn. (Ảnh: Int) |
Theo đó, dự thảo thông tư quy định, trường hợp khách hàng rút toàn bộ tiền gửi, ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, đối với phần tiền gửi rút trước hạn, ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất; đối với phần tiền gửi còn lại, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Trước đó, theo quy định tại Thông tư 04, nhiều ngân hàng không cho phép khách hàng được rút tiền gửi trước hạn một phần. Nếu khách hàng có nhu cầu sẽ phải rút toàn bộ và chịu lãi suất không kỳ hạn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu có vốn linh hoạt nhưng vẫn "giữ sổ, giữ tài khoản tiền gửi" khi kỳ tất toán còn một thời gian, khách không mất toàn bộ lãi suất tiền gửi đã gửi thời gian qua, một số tổ chức tín dụng tạo thuận lợi bằng cách cho cầm cố sổ tiết kiệm hoặc tài khoản tiền gửi để vay mới bằng một khoản có giá trị tương đương hoặc thấp hơn giá trị ghi trên sổ tiết kiệm/tài khoản tiền gửi.
Vì thế, nếu chính sách mới được ban hành, khi ngân hàng đồng ý cho rút một phần vốn trên sổ mà lãi suất tiền gửi không thay đổi thì khách hàng mới có lợi. Còn ngân hàng thỏa thuận lãi suất gửi ở mức thấp hơn trên sổ thì việc cầm sổ vay có lợi hơn.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chính sách này có lợi cho người gửi tiền và cả ngân hàng. Hiện nay, một số ngân hàng nhỏ cũng đã triển khai chương trình tiền gửi tích lũy, cho phép khách hàng rút ra một phần tiền. Theo đó, sẽ tạo tâm lý cho khách hàng yên tâm lựa chọn những kỳ hạn gửi dài có lãi suất cao hơn.
H.Giang