Công ty CTCP Tập đoàn FLC vừa gửi lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24/3.
Một phần diện tích FLC sử dụng tại tòa tháp văn phòng số 265 đường Cầu Giấy, Hà Nội được thuê lại từ OCB |
Trong tài liệu này, FLC bổ sung 51 nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021. Điều đáng nói, toàn bộ nghị quyết đều do ông Trịnh Văn Quyết ký trong thời gian ông còn đương nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FLC và Bamboo Airways trước khi bị bắt tạm giam ngày 29/3/2022.
Theo quy định tại Thông tư 96/2020, đây là những thông tin phải được công bố trong trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm cuộc họp HĐQT kết thúc nhưng đến ngày 6/5/2022 mới được Tập đoàn FLC đưa ra dưới hình thức công bố thông tin bổ sung.
Một trong 51 nghị quyết được công bố có tài liệu do cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ký từ tháng 11/2020, thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của FLC và Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để thay nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC cùng các công ty con, công ty liên kết tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Theo đó, tài sản mà Tập đoàn FLC dùng để gán nợ là tòa tháp văn phòng tại số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, diện tích sử dụng 101.000 m2, gồm 42 tầng, trong đó có 38 tầng nổi, 4 tầng hầm và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019.
Sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại một phần diện tích của tòa nhà này từ chính OCB để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định.
Trước đó, vào tháng 1/2019 Chủ tịch Tập đoàn FLC lúc bấy giờ là ông Trịnh Văn Quyết đã bắt tay hợp tác với Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn, cam kết thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện nhằm gia tăng lợi ích kinh tế thông qua việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng giữa FLC và OCB.
Sau khi thỏa thuận hợp tác được ký kết, dư nợ của FLC tại OCB đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, cuối năm 2019, tổng dư nợ vay (ngắn hạn + dài hạn tại OCB và trái phiếu OCB) của FLC (hợp nhất) là 1.145 tỷ đồng, đến năm 2020 tăng lên 1.703 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của FLC, tính đến ngày 31/3 FLC là “con nợ” của nhiều ngân hàng như như OCB, Sacombank, BIDV, NCB… Trong đó, OCB vẫn là một trong những chủ nợ lớn nhất của FLC.
Theo đó, dư nợ cho vay ngắn hạn của FLC tại OCB là 713 tỷ đồng, ngoài ra còn hai lô trái phiếu dài hạn phát hành cho OCB Chi nhánh Thăng Long và OCB Chi nhánh Hà Nội với giá trị lần lượt 396 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời báo giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, tổng dư nợ hiện là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của OCB ngày 23/4, Tổng giám đốc OCB cho biết FLC là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn.
Thanh Hoa