Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Sacombank với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đứng sau Sacombank, BIDV cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng, OCB (1.392 tỷ đồng), NCB (634 tỷ đồng), Agribank (169 tỷ đồng).
Đáng chú ý, để nhận được khoản vay tại các ngân hàng này, FLC thế chấp một số lượng cổ phần Bamboo Airways và cá nhân ông Trịnh Văn Quyết cũng dùng không ít cổ phần Bamboo Airways thế chấp tại các nhà băng này.
Nhận xét về khách hàng FLC, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. |
Điển hình, ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã dùng 17 triệu cổ phần BVA, do Công ty cổ phần hàng không Tre Việt phát hành, thuộc sở hữu của cá nhân để cầm cố tại Sacombank chi nhánh Thủ Đô.
Ngân hàng yên tâm về khoản vay của FLC
Trong thông cáo báo chí phát hành sáng nay (30/3), Sacombank khẳng định, các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19.
Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.
Trong khi đó, trả lời báo giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.
Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, ông Tùng cho hay, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB (thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70-80% tổng giá trị tài sản đảm bảo). Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
Tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp. Quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.
FLC luôn trả nợ đúng hạn
Theo tìm hiểu, hiện nay FLC có hai lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không. Giai đoạn đáng lo nhất của FLC là năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, cả du lịch nghỉ dưỡng và hàng không đều tê liệt. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, các hoạt động hàng không và du lịch đều đã khởi sắc.
Trong thông cáo báo chí phát đi tối ngày 29/3 – sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Vụ việc không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn.
Cũng theo FLC, để hạn chế rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của Tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.
Theo đó, bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty.
Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.
"Bên cạnh quyết định này, ban lãnh đạo của FLC cũng họp và đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của FLC diễn ra ổn định trong tình hình mới, theo đúng mục tiêu, kế hoạch mà HĐQT và Ban Tổng giám đốc đã đặt ra", thông cáo nêu.
Nhận xét về khách hàng FLC, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Thời điểm hiện nay, hoạt động của FLC đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
“Nói chung, với ngân hàng, thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, đến thời khắc này, chúng tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định”, ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định.
Mặc dù vậy, vẫn ý kiến cho rằng, với những khoản vay lớn, FLC đã thế chấp hầu hết các tài sản bằng bất động sản và một phần cổ phiếu. Vì vậy, với các khoản vay nhỏ hơn tập đoàn này sẽ không còn bất động sản để thế chấp, có khả năng FLC sẽ dùng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo. Như vậy rủi ro lớn cho các ngân hàng nhận thế chấp bằng cổ phiếu là rất lớn.
Thanh Hoa