Trong phần thảo luận, một cổ đông băn khoăn việc các ngân hàng đang đầu tư rất nhiều vào ngân hàng số vậy lợi thế của TPBank có bị mất dần hay không?
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, cách mạng 4.0 đã mang đến cho nền kinh tế động lực để phát triển, việc tất cả các ngân hàng cùng đầu tư vào ngân hàng số sẽ tạo một thị trường phát triển. Có cạnh tranh thì thị trường càng phát triển và người nào tiên phong sẽ luôn có những lợi thế nhất định.
![]() |
Đại hội đồng cổ đông TPBank năm 2022 |
"TPBank đang đi trước nhiều ngân hàng một chặng đường khá xa, một số giải pháp TPBank đã triển khai cách đây 5 năm thì bây giờ mới có ngân hàng làm", ông Tú nói.
Đối với câu hỏi: Các ngân hàng khác cũng đầu tư mạnh vào ngân hàng số, nhưng nhờ gia tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) nên chi phí vốn chỉ ở mức 16-17%, trong khi đó, con số này ở TPBank lên đến 33%. Nguyên nhân vì sao? Lãnh đạo TPBank cho rằng, không phải cứ phát triển ngân hàng thì tự nhiên tăng CASA. Năm 2021 tỷ lệ CASA của ngân hàng khoảng 17%, năm nay đạt 25% và vẫn tiếp tục tăng trưởng.
“Tất nhiên cũng phải nhìn nhận là TPBank đang có các điểm giao dịch vật lý đang ít, nên việc phát triển khách hàng tại quầy không mạnh bằng phát triển số. Vì khách hàng số là khách hàng trẻ - rất tốt cho tương lai, vì vậy, TPBank đang cố gắng nâng tỷ lệ CASA", đại diện TPBank cho hay.
Cổ đông khác thắc mắc: TPbank có kiểm soát giá cổ phiếu hay không? Chủ tịch HĐQT Đỗ Vinh Phú khẳng định: TPBank không có kiểm soát giá trị cổ phiếu, giá trị cổ phiếu do thị trường quyết định, tùy theo đánh giá của các cổ đông. “TPBank đảm bảo để được niêm yết, đảm bảo lưu hành cổ phiếu, tuân thủ quy định của nhà nước về room ngoại, chia cổ tức, ESOP…”, ông Phú nói.
Cổ phiếu TPB đã có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021, từ 27.800 - 40.000 đồng (31/3/2022). Nếu tính cả những quyền lợi phát hành thêm thì giá trị cổ phiếu TPBank đã tăng 50% trong 1 năm. Cùng với đó năm 2021 nhà đầu tư được chia cổ tức tỷ lệ 33%.
Chủ tịch TPBank cho rằng, bản thân thị trường, các nhà đầu tư tin tưởng sự phát triển của TPB, khả năng tài sản tốt, chất lượng hiệu quả. Vì vậy, cổ phiếu TPB sẽ còn tăng.
Cũng tại đại hội, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết, thời gian qua TPBank đã tăng cường mở rộng hệ sinh thái với việc nắm giữ 9,01% tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tái cơ cấu Công ty tài chính Hafic trở thành công ty con của TPBank.
Cụ thể, TPBank góp vốn, mua thêm 9 triệu cổ phần từ quyền mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhằm đảm bảo tỷ lệ góp vốn 9,01% vốn điều lệ của TPS.
Năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 532 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 21.142 tỷ đồng, chạm gần tới mức 1 tỷ USD.
Về kết quả kinh doanh quý I/2022, lãnh đạo TPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 10,6%, trong khi các năm trước chỉ tăng 4 – 5%. Lợi nhuận quý I/2022 tăng hơn 14% lên 1.600 tỷ đồng. Riêng tháng 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 706 tỷ đồng.
Thanh Hoa