Nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao sau 2 năm gần như "đóng băng" vì dịch bệnh khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 9,35%. Nửa thời gian còn lại của năm 2022, các chuyên gia cho rằng tín dụng sẽ còn tăng cao hơn khi các ngân hàng đang gấp rút triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách. Vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay?
Dư nợ tín dụng tăng mạnh
Từ đầu năm, NHNN đặt mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng, tăng 9,35%, so với cùng kỳ năm 2021 (6,47%), là mức rất cao.
Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm 30/6 đạt khoảng 9,35% |
Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, dư địa tăng trưởng tín dụng chỉ còn 4,64%. Trong khi đó, hiện nay, các ngân hàng đang gấp rút triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách. Và nếu gói hỗ trợ này được triển khai hiệu quả, tín dụng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng trưởng cao, phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều ngân hàng thương mại đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quý I do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp. Giới phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp room tín dụng thời gian tới.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo đợt nâng room tín dụng trên sẽ rơi vào trung tuần tháng 7, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, mùa vụ kinh doanh vốn của ngân hàng thường rơi vào 2 quý cuối năm, nên OCB mong sớm được nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 được Đại hội đồng cổ đông giao.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng 9,3% so với cuối năm 2021. Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực.
Với việc nhu cầu tín dụng tiếp tục duy trì tích cực, cộng với việc NHNN đang xem xét nới room tín dụng cho các ngân hàng, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 toàn ngành đạt 14 - 16%.
Tương tự, trong Báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 7/2022”, chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra dự báo về triển vọng ngành ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt 15% nhờ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng của Chính phủ kích thích nhu cầu tín dụng tăng mạnh.
Điều chỉnh linh hoạt theo thời điểm?
Trả lời báo chí mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ xem xét vấn đề hạn mức, căn cứ theo tình hình thực tế. "Đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay nhưng cũng có thể điều chỉnh linh hoạt theo thời điểm. Điều chỉnh thời điểm nào phải phù hợp tình hình thực tế, bởi lẽ phải phục vụ mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, đồng thời cung ứng vốn phục hồi sản xuất", ông Tú nói.
Tuy nhiên, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản, được tổ chức ngày 14/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với vai trò là ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì trong những năm qua, căn cứ mục tiêu lạm phát, tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội, NHNN điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng hàng năm.
Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và12,17% năm 2020. Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch COVID-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
“Trong 6 tháng cuối năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm. Đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp...”, bà Hồng thông tin.
Huyền Anh