Ông Trịnh Quốc Hùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 17/3 mới đạt khoảng 1%. Tín dụng tăng chậm khiến dòng vốn của doanh nghiệp vẫn tắc nghẽn trong suốt 3 tháng đầu năm nay.
Vì sao tín dụng tăng chậm?
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý I do NHNN thực hiện, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong 3 tháng đầu năm và tăng 13,7% trong năm nay, giảm gần 2% so với kỳ điều tra trước.
Tăng trưởng tín dụng đến 17/3 mới đạt khoảng 1%. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn vay do lãi suất cao khiến họ không dám vay vốn. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM vừa gửi lên UBND TP cho biết sau khi khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2 thì có 83% đơn vị đang gặp khó khăn.
Cụ thể, có 43% doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị NHNN có biện pháp hạ lãi suất, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; cần khống chế trần lãi suất, giữ lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.
Theo thông tin từ NHNN, lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đang ở mức khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới khoảng 9,4%/năm.
Trong bối cảnh đó, cuối tháng 2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ký văn bản chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai ngay hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, để đối thoại trực tiếp với khách hàng; nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý và tháo gỡ.
Ngân hàng dồn dập tung gói vay ưu đãi
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, sau Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, có 20 ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi với quy mô đạt hơn 450.000 tỷ đồng.
“Nếu triển khai đúng mục tiêu của chương trình, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn rất lớn và thiết thực, cả về vốn, lãi suất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thuận lợi nhất các dịch vụ ngân hàng… Từ đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”, ông Lệnh nói.
Thực tế, những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng để "kích cầu". Điển hình là Agribank vừa quyết định dành hơn 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp. Với mức lãi suất thấp hơn từ 1 - 1,5%/năm so với thông thường. Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
BIDV cũng dành 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm, trong đó 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh.
Vietcombank cũng triển khai nhiều chương trình cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vay vốn. Cụ thể, từ nay đến 31/3/2024, Vietcombank cho khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, mua xe ô tô, vay tiêu dùng… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,99%/năm…
Ông Phạm Hồng Phú, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng bán lẻ của MSB cho biết: "Trên cơ sở giá vốn bình quân giảm, chúng tôi có gói giảm 2,3% với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có gắn kết với ngân hàng".
Theo các chuyên gia, do mặt bằng lãi suất huy động giảm, các nhà băng có thêm “trợ lực” để tung các gói vay ưu đãi kích cầu tín dụng.
"Khi mặt bằng lãi suất huy động được kéo dần xuống, trở về mức bình thường mà lẽ ra phải có thì lãi suất cho vay cũng sẽ hạ theo, như vậy đã đạt được mục đích mong muốn hạ lãi suất để phục hồi kinh tế", Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng phân tích.
Các ngân hàng cũng cho biết đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên sau khi NHNN quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn với nhóm này thêm 0,5 điểm % trong tuần trước.
Huyền Anh