Tại hội thảo: Khơi thông thị trường vốn, tổ chức ngày 17/3, ông Trịnh Quốc Hùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông dòng vốn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đến 17/3 mới khoảng 1%.
Vì sao tín dụng tăng chậm?
Lý giải về tín dụng tăng chậm, đại diện NHNN cho rằng, nếu so với năm 2022 thấp hơn nhưng không chênh nhiều với các năm trước, bởi một số nguyên nhân khách quan là quý I đúng vào dịp Tết, nên sau thời gian nghỉ quay lại sản xuất kinh doanh chậm, nhu cầu vốn thấp.
Với “thể trạng” của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia này đặc biệt lo ngại tình hình nợ xấu có thể gia tăng. |
Bên cạnh đó, tình hình trên thế giới lạm phát cao nên đơn hàng đặt giảm, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, giảm nhu cầu vay vốn. Mặt khác, do tác động COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Một yếu tố ảnh hưởng nữa là đầu tư công chậm.
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh không được vay vốn, ông Hùng cho rằng, tại hội nghị bất động sản đã chỉ ra rất nhiều vướng mắc, trong đó là vấn đề pháp lý, dẫn đến nhiều dự án tốt nhưng vướng điều kiện pháp lý về đất đai, đầu tư từ đó ảnh hưởng đến việc vay.
“Theo tôi, hiện nay còn hơi sớm để đánh giá là tăng trưởng tín dụng chậm, tuy nhiên về phía NHNN đã có động thái giảm lãi suất, yêu cầu các chi nhánh thiết lập đường dây nóng để tiếp cận, hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đồng thời, tích cực chỉ đạo NHTM tiết giảm chi phí, chỉ đạo công tác thanh tra xử lý vi phạm”, ông Hùng cho hay.
Đồng tình, ông Dương Hồng Hà, Phó trưởng Ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 chưa thể đánh giá được mục tiêu năm nay có đạt được hay không. Tuy nhiên, ông khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay được xác định là chậm và nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng: “Thời gian tới, tín dụng tăng tốc là điều sẽ xảy ra”, lý do là cơ quan quản lý chủ động hạ lãi suất điều hành ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó là áp lực tỷ giá, cũng không thực sự lớn như năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng mang tính mùa vụ, những tháng đầu năm tăng chậm thì những tháng sau sẽ tăng dần lên.
Với lãi suất 14-15% rất khó để doanh nghiệp kinh doanh, do đó, cần hạ mức lãi suất nhưng việc hạ lãi suất cần có độ trễ, kỳ vọng 3 tháng để ngân hàng cân đối lại nguồn. Thời gian tới, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn, khả năng đạt 14-15% cần phải nỗ lực rất nhiều, vì nếu không đạt mức này rất khó để đạt mục tiêu GDP 6.5%
Hạ lãi suất cần có độ trễ
Tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh”, được NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho hay, việc NHNN hạ lãi suất kịp thời đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhưng chưa thể tác động tích cực ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do việc tiếp cận vốn trên thực tế vẫn rất khó khăn.
“Lãi suất giảm là rất đáng hoan nghênh, song tiếp cận vốn mới là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái là minh chứng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. Đây là điều cần quan tâm để ban hành thêm các chính sách phù hợp, cộng hưởng với lãi suất hạ, thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.
Với “thể trạng” của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia này đặc biệt lo ngại tình hình nợ xấu có thể gia tăng. Theo ông Hà, hiện nay theo báo cáo của NHNN nợ xấu nội bảng đang ở mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 4%. Nợ xấu có đặc điểm là phân bổ không đồng đều. Không phải tổ chức tín dụng nợ xấu hết mà trọng tâm, trọng điểm chỉ một số tổ chức nào đó.
“NHNN và cơ quan quản lý giảm sát đã nhìn nhận rủi ro. Với các khoản nợ xấu ở những đơn vị đó, các cơ quan quản lý có giải pháp tái cấu trúc xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tôi nghĩ là có thể tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới, do đó chúng ta cần kiểm soát mức độ an toàn với hệ thống tài chính và nền kinh tế”, ông Hà cảnh báo.
Đại diện NHNN cho biết, về vấn đề tái cấu trúc, Chính phủ đã phê duyệt quyết định 869 tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, quyết định này đã giúp NHTM triển khai các phương án, hướng dẫn ngân hàng xử lý nợ xấu.
Dương Hà