Ngày 1/4 tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại Thanh Hoá, Phó thống đốc Đào Minh Tú, cho biết, đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Doanh nghiệp mong được được hỗ trợ nhiều hơn về vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng cả năm tới 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%).
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đáng lưu ý, trong năm nay các ngân hàng cũng cam kết cấp tín dụng lên tới 21.055 tỷ đồng cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn mong mỏi được hỗ trợ nhiều hơn về vốn, đặc biệt được kéo dài chính sách cơ cấu nợ.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Công ty May Thiên Sơn chia sẻ: Thời gian qua tất cả doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chúng tôi ghi nhận việc NHNN, các TCTD đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN như khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí, giảm lãi suất đã giúp đỡ chúng tôi rất thiết thực, DN thực sự cần dòng tiền của ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Lâm mong mỏi: “các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, xem xét cho vay vốn bổ sung bù đắp chi phí phụ trội, xem xét tăng hạn mức cấp tín dụng, xem xét cho vay tín chấp, tiếp tục giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng để phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Trong khi đó, ông Cao Việt Tâm - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Sầm Sơn thông tin, thời gian qua gần như 100% doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại Sầm Sơn không có doanh thu và gặp vô vàn khó khăn. Tôi cũng đánh giá các giải pháp của các ngân hàng là rất sớm và đầy đủ, tuy nhiên thời gian tới cần tiếp tục xem xét giảm lãi suất và tiếp tục các chính sách hỗ trợ vì khó khăn vẫn còn kéo dài.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Ông Hưng cũng đề xuất NHNN một số nội dung về việc ban hành Luật xử lý nợ xấu, điều chỉnh sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đến ngày 30/6/2023 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ngân hàng cũng phải đối mặt nhiều thách thức
Thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp, song Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, hai năm vừa qua, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thứ nhất, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ hai, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng.
Chính vì vậy, thời gian tới, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Phối hợp các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau khi Nghị định được ban hành.
Về phía doanh nghiệp, Thống đốc cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các chính sách hỗ trợ phù hợp của các tổ chức tín dụng.
T.H