Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) báo lãi trước thuế quý III/2023 đạt hơn 7.283 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong số ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số.
Nguồn thu chính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mang về cho MB 9.811 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Phần lớn các hoạt động kinh doanh ngoài lãi khác của MB đều ghi nhận tăng trưởng. Theo đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 37% lên 1.970 tỷ đồng; lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 6% lên 180 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng đột biến, mang về 186 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi 1,5 tỷ đồng. Hoạt động góp vốn mua cổ phần cũng mang lại cho MB 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có lãi 5 tỷ đồng.
![]() |
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MB báo lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 toàn ngành. |
Ở chiều ngược lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 44% so với cùng kỳ, đem lại hơn 224 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh khác cũng giảm nhẹ 2,5% xuống còn 570 tỷ đồng.
Kỳ này, MB tiết giảm 10% chi phí hoạt động xuống mức 3.334 tỷ đồng nhưng vẫn tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.447 tỷ đồng, tăng đến 50%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MB báo lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngân hàng mẹ lãi 18.866 tỷ đồng, tăng 15%.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đã đề ra, MB đã thực hiện được 76% mục tiêu sau 9 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, con số lợi nhuận này của MB đã dẫn đầu lợi nhuận nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, vượt Techcombank với 17.115 tỷ đồng.
Đồng thời, MB cũng vượt 2 “ông lớn” ngân hàng trong nhóm Big 4 là BIDV (19.763 tỷ đồng) và Vietinbank (17.401 tỷ đồng), chỉ thấp hơn Vietcombank (gần 30.000 tỷ đồng).
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản tại MB tăng 10% so với hồi đầu năm, ghi nhận 815.881 tỷ đồng. Cụ thể, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 45% còn 21.634 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng tích cực với tổng dư nợ toàn MB đạt gần 577.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2022, cao hơn so với mức bình quân của toàn ngành. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16% lên 536.031 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cho vay, tuy MB chỉ dành 34.506 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản, chiếm gần 6,44% tổng dư nợ nhưng đây lại là nhóm có hoạt động cho vay tăng mạnh nhất, tăng 61,5% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tiêu dùng dù chiếm đến 28,56% tổng dư nợ cho vay của MB nhưng cũng chỉ tăng 2% so với đầu năm.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của MB tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm trước từ 5.031 tỷ đồng lên 10.111 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn (giảm 17%) sang nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ (tăng gấp 3 lần so với đầu năm). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại MB tăng từ 1,09% lên 1,89%.
Về nguồn vốn, quy mô tiền gửi khách hàng của MB tăng trưởng 8,1% so với năm trước, đạt 479.732 tỷ đồng. MB đã thu hút thêm gần 4 triệu khách hàng mới, lũy kế chạm mốc 25 triệu khách hàng.
Thanh Hồng