Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề: số tiền của dân gửi vào ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.
Thanh khoản dồi dào
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tốc độ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng cùng tốc độ tăng của lãi suất, trong bối cảnh các kênh đầu tư tài sản rủi ro đang gặp khủng hoảng.
Cụ thể, tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nếu như trong tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6%, thì tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%.
Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm.
Số liệu công bố mới nhất từ NHNN cho biết, tính tới cuối tháng 5/2024, hơn 13,4 triệu tỷ đồng tiền gửi vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng.
Cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước để hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh. |
Theo các chuyên gia, lãi suất tăng với tốc độ như hiện nay là “có lợi cho nền kinh tế”, giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Được biết, tín dụng toàn hệ thống cuối tháng 6 tăng 6%, sang tháng 7 giảm còn 5,66% so với cuối năm 2023, trong khi huy động vốn tính đến hết tháng 6 chỉ tăng 1,5%. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rủi ro cho thanh khoản hệ thống. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, lãi suất tăng là cần thiết, việc lãi suất tiền gửi bị “ép” giảm quá sâu sẽ khiến “bẫy thanh khoản” cũng như rủi ro "bong bóng tài sản" xảy ra.
Dù lãi suất huy động có xu hướng tăng, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian gần đây vẫn ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. NHNN cũng tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp giúp họ có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Hiện, các ngân hàng đang cho vay khách hàng doanh nghiệp với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm; khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất từ 1-2 năm đầu, hoặc miễn lãi tháng đầu tiên.
Sản xuất kinh doanh có đón được dòng vốn?
NHNN cho biết tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế, như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc công ty chuyên về kinh doanh vận tải, việc hỗ trợ lãi suất đã giúp công ty tiết kiệm gần 100 triệu đồng/năm, để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và bán hàng hiệu quả hơn.
ThS Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế, Tài chính đánh giá, công tác điều hành lãi suất của NHNN những tháng đầu năm 2024 đã chủ động, kịp thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc giảm lãi suất cho vay đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Từ đầu tháng 5/2024, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng lên ở các ngân hàng thương mại do cạnh tranh về tiền gửi khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Như vậy, các ngân hàng sẽ chuyển một phần chi phí huy động tiền gửi cao hơn sang người đi vay", bà Đào cho biết.
Dù vậy, nhưng khi tổng kết công tác 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 còn chậm hơn so với kỳ vọng. Một số tổ chức tín dụng cấp tín dụng tập trung với tỷ trọng lớn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, tập trung tín dụng vào các khách hàng lớn và người có liên quan (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến chủ sở hữu của ngân hàng), tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cũng chưa đồng đều.
Lãnh đạo NHNN cho biết, về tổng thể, cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhất định. Một số chương trình, chính sách tín dụng như gói vay 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn.
Đề xuất giải pháp hướng dòng tiền vào sản xuất, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước.
Khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng lên sẽ tăng nhu cầu về tín dụng. Câu chuyện này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nếu tăng trưởng tín dụng không đi vào sản xuất sẽ đi vào thị trường tài sản và tạo ra "bong bóng".
Chuyên gia này nhấn mạnh, cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn cần đi kèm với chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy đầu tư trong nước tạo ra hoạt động sôi động trên thị trường hàng hóa dịch vụ, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng thực của người dân và doanh nghiệp.
Huyền Anh