Về tình hình tăng trưởng tín dụng, thanh khoản, hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý I, theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá tốt, đạt 12,34 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng.
Thanh khoản hệ thống dư thừa và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng. Theo đó, các TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.
Cụ thể, đến ngày 31/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
So với cuối năm 2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh nhất với 13,39%. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Cụ thể, so với cuối năm ngoái, tính đến cuối tháng 2, tín dụng ngành kinh tế như nông, lâm, thủy sản tăng 0,74%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 1,79%; ngành thương mại dịch vụ tăng 0,5%.
Tuy nhiên, theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực rủi ro lại tăng mạnh hơn các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, ở lĩnh vực ưu tiên, vốn ngân hàng cho vay nông nghiệp, nông thôn giảm 0,09%. Còn các lĩnh vực khác như doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng tăng khoảng 0,73%; đối với xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 3,15%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 6,08%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,31%.
Đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gồm bất động sản tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%. Riêng tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh nhất với 13,39%.
Lý giải tình trạng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế từ đầu năm chưa cao, Ngân hàng Nhà nước cho rằng do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đơn cử như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thông tin còn thiếu minh bạch...
Hay như nhóm bất động sản: thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh...
Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay dẫn tới việc các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống…
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề.
Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.
Thanh Hoa