Giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến tín dụng cho bất động sản tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Nguyễn thị Hồng cho rằng, vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản. Thay vào đó, thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh, ví dụ như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân.
Dư nợ tín dụng bất động sản tới cuối tháng 8 đạt 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với cách đó hai tháng. |
Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước phải lấy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ làm trọng tâm, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, cũng như đảm bảo ổn định được thị trường tiền tệ và ngoại hối. Việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Đó là chưa kể, điều này sẽ đi ngược lại mục tiêu của chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng.
"Chúng tôi xét thấy tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và xin báo cáo với Quốc hội là rủi ro ở đây không phải là rủi ro tín dụng, không phải rủi ro là dự án đó không trả được nợ. Kể cả một dự án hoạt động có hiệu quả, có đủ điều kiện vay vốn, nhưng vì yêu cầu về tín dụng đối với bất động sản thường dài hạn và với số tiền lớn.
Với đặc tính huy động vốn của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, cho nên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các tổ chức tín dụng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với những rủi ro về thanh khoản, khi người dân đến rút tiền thì các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn về chi trả", bà Hồng lưu ý.
Chính vì vậy, trong quá trình kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã không kiểm soát bằng các biện pháp trực tiếp mà kiểm soát bằng các biện pháp gián tiếp.
Theo đó, các văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định theo hướng kiểm soát rủi ro, ví dụ những khoản cho vay đối với kinh doanh bất động sản thì ngân hàng áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro là 200% và đối với những khoản cho vay mua nhà nếu như với giá trị trên 4 tỷ đồng thì sẽ áp dụng một hệ số rủi ro là 150%. Trong khi đó, đối với những khoản cho vay nhà ở xã hội nếu khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng thì áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%.
Như vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên đối với cấp tín dụng những khoản cho vay đối với các nhà ở phân khúc thấp.
Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định.
Thống đốc thông tin thêm, hiện đã giải ngân với doanh số là 10.584 tỷ đồng và dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng.Tuy nhiên, hiện một số tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay theo Nghị định 100 vẫn chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất cũng chưa được bố trí cho các đơn vị này.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%). |
Huyền Anh