Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho hay, tính đến cuối quý II/2024, dư nợ cho vay bất động sản đạt 3,083 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Ngân hàng "đổ tiền" cho vay bất động sản
Cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý II/2024. Cụ thể, có 14/27 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao từ 6% trở lên. Đáng chú ý, các ngân hàng bán buôn như LPBank, Techcombank hay các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong quý II.
Cho vay bất động sản chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. |
Khảo sát của VnBusiness từ báo cáo tài chính quý II cho thấy một số ngân hàng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh.
Điển hình như Techcombank, tính đến hết tháng 6, tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý II/2024 đạt 567.389 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng tín dụng đến từ cho vay bất động sản chiếm hơn 35,6% tổng dư nợ, đạt 201.210 tỷ đồng, tăng 3,7% so với quý I/2024.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay mua nhà tại Techcombank phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kỳ. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp đà tăng trưởng tốt, đạt 31,2 nghìn tỷ trong quý II/2024.
Tương tự, tốc độ "bơm" tiền vào bất động sản của VPBank trong 6 tháng đầu năm khá cao, tổng chung mảng này đóng góp hơn 36% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng, đạt 624.277 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II, dư nợ cho vay bất động sản đạt hơn 226.150 tỷ đồng, tăng hơn 18.600 tỷ đồng so với quý I/2024. Trong đó, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản 140.314 tỷ đồng, cho vay cá nhân để mua nhà ở 85.836 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác có dư nợ cho vay bất động sản khá cao là MB đạt 44.910 tỷ đồng đến cuối quý II, tăng 1.641 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, chiếm gần 7% tổng dư nợ vay của ngân hàng này.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ trọng cho vay bất động sản đáng kể như SHB đạt 74.523 tỷ đồng (chiếm 16,15%), HDBank: 60.654 tỷ đồng (chiếm 16,4%), TPBank: 17.149 tỷ đồng (chiếm 8%)...
Nhu cầu vay vốn bất động sản sẽ còn tăng
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 7, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt 1,019 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ tín dụng. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn (3,9%), lên đến 5,5%. Trong đó, tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất - khoảng 57% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Cụ thể, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao do trong 7 tháng đầu năm, các ngân hàng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP Thủ Đức.
Đồng thời, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất, cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc, xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Trong đó, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2023; cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14%.
"Những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung và dài hạn, có thời gian dài. Do đó, việc tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng, về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ không chỉ là yếu tố bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển", ông Lệnh nhận định.
Theo giới phân tích, bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường có thể không bền vững, gây ra rủi ro nếu giá trị tài sản giảm.
Ngoài ra, các khoản vay bất động sản là dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi các cơ hội sinh lời khác của ngân hàng. Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng. Đáng chú ý, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong một năm qua nhưng giá nhà vẫn neo ở mức cao, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, khi dư nợ tín dụng của ngành này đang cao.
Việc điều tiết dòng vốn để thị trường bất động sản sớm ổn định và phục hồi trở lại là nhiệm vụ rất quan trọng. Luật Các tổ chức tín dụng mới đề ra các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng bất động sản, không bị vênh giữa nhận thế chấp tài sản và xử lý nợ là dự án bất động sản. Những thay đổi của Luật phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Huyền Anh