Trong 4 kỳ báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuối tuần qua, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được WB xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, cao hơn các nước trong khu vực như: Thái Lan xếp vị trí thứ 42, Indonesia đứng thứ 55, Lào đứng vị trí 77, còn Philippines là 142.
Lãnh đạo NHNN cho biết trong năm 2017, ngành ngân hàng đã nỗ lực cải cách hành chính nhằm đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ DN, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Cụ thể, tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN, nhờ đó công tác giải ngân cho khách hàng cũng tăng. Có hơn 60.000 khách hàng được vay vốn, với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành ngân hàng đã gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 DN và hơn 9.000 khách hàng khác…
Tuy vậy, một số chuyên gia cho biết chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Du, Chủ tịch công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Lắp đặt Viễn thông, cho biết DN này phải mất 2 năm mới được cấp hạn mức tín dụng khiến mất nhiều cơ hội đầu tư và làm tăng chi phí.
Do đó, ông Du kiến nghị ngân hàng nên giảm thiểu thời gian phê duyệt phương án tín dụng cho DN. Ngoài ra, giảm bớt các thủ tục về phần cứng như giấy tờ, hồ sơ nhằm giảm chi phí và thời gian cho DN.
Chia sẻ tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng dù chỉ số tiếp cận tín dụng ở Việt Nam đã được cải thiện, song trên thực tế, tỷ lệ DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn còn cao.
Chỉ ra nguyên nhân, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng khiến DN và ngân hàng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” đó là những quy định về tài sản thế chấp.
Theo đó, cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là đất, nhà chiếm 38,5%, máy móc thiết bị là 26,5%.
Ngoài ra, còn có những yêu cầu về chuẩn mực kế toán, chi phí thu thập thông tin và hành chính cao, dự án đầu tư kinh doanh không khả thi… mà các ngân hàng đặt ra cho các DN. Trong khi đó, nhiều DNNVV vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là đất, nhà chiếm 38,5%, máy móc thiết bị là 26,5% |
DN vẫn kêu khó vay vốn
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Kim Anh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho hay thời gian qua, ngân hàng này cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc DN gặp khó khăn vay vốn khi không có tài sản đảm bảo.
Theo bà Anh, tài sản đảm bảo không phải là yếu tố điều kiện hàng đầu để ngân hàng cho vay. Trước hết DN phải tạo được chữ tín, cho ngân hàng thấy được phương án quản trị kinh doanh của DN để đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi cho vay vốn.
Bên cạnh đó, DN phải trình được phương án tài chính minh bạch. DN phải nâng cao năng lực quản trị, minh bạch quản trị tài chính, cố gắng áp dụng kế toán quản trị để ngân hàng và DN tìm được “tiếng nói chung”.
“Đa số DNNVV không có báo cáo kiểm toán, nên ngân hàng rất khó cho vay, bởi khi thẩm định hồ sơ vay vốn, ngân hàng không có số liệu minh bạch để kiểm tra”, bà Anh nói.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong ngôn ngữ của APEC chỉ có chữ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thậm chí có cả hộ kinh doanh, mà không còn chữ DNNVV.
“Với định hướng như vậy, cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, ông Lộc khuyến cáo._
Đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Thành cho rằng ngân hàng cần mở rộng sự đa dạng của tài sản thế chấp. Trong đó, một loại tài sản gọi là tài sản bất động, loại khác gọi là tài sản động, trong đó WB đánh giá rất cao tài sản động.
Ngoài ra, cần có một khung khuôn khổ pháp lý để có cơ chế phát triển hai khu vực nông nghiệp và DN khởi nghiệp. “Đây là vấn đề sống còn trong tương lai của năng suất lao động Việt Nam. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ tiếp cận tín dụng khu vực này cần được gia tăng”, ông Thành nói._
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định trong thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức xây dựng, chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực về cải cách hành chính để tiếp tục cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số tiếp cận tín dụng, thúc đẩy, cải thiện hơn nữa quan hệ tín dụng giữa DN và ngân hàng.
Huyền Anh