Dưới áp lực của lạm phát và thanh khoản tại một số ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng, dù đã qua mùa cao điểm thanh khoản phục vụ nhu cầu thanh toán và chi trả dịp cận Tết Âm lịch, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn liên tục tăng, thậm chí cao hơn khoảng gấp đôi so với thời điểm trước.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao sau Tết Nguyên đán. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Cập nhật giao dịch ngày 16/2, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 2,95%/năm, cao hơn rất nhiều so với “quãng bình thường” trước mùa cao điểm vừa qua là quanh 1,5%/năm; kỳ hạn 1 tuần vẫn ở 2,78%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 2,87%/năm; kỳ hạn 6 tháng ở mức 3,03%/năm và 9 tháng ở mức 4,02%/năm.
Mặc dù so với tuần trước, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhẹ nhưng vẫn neo cao và khoảng gấp đôi so với thời kỳ tiền rẻ vào thời điểm giữa năm 2021.
Đáng chú ý, diễn biến trên được thể hiện trong bối cảnh CPI vừa có tháng tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với xu hướng lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước hoạt động bơm tiền hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống vẫn tiếp tục thể hiện trong suốt tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. Theo thống kê của VnBusiness trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý, hoạt động bơm tiền hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống vẫn tiếp tục thể hiện trong suốt tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. Cho đến hôm nay (16/2), Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bơm ròng thêm 1.878 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, căng thẳng thanh khoản trên thị trường vẫn tiếp tục diễn ra, cùng với đó lạm phát trong năm nay được dự báo sẽ tăng cao hơn năm ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ không còn tiền rẻ trên thị trường liên ngân hàng.
Theo các chuyên gia, thông thường, khi lạm phát liên tục giảm, ngân hàng trung ương các nước có thể thoải mái hạ lãi suất, thậm chí giữ lãi suất ở mức âm mà không có nhiều lo ngại.
Tuy nhiên, khi lạm phát không còn giảm, thị trường bắt đầu hiểu rằng thời kỳ tiền rẻ đã đi đến cuối con đường. Song, nhu cầu vốn của các ngân hàng hiện nay được đánh giá là mang tính thời điểm. Thanh khoản của hệ thống còn nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
"Thời gian tới khi nguồn vốn FDI vào nhiều hơn và xuất khẩu tích cực tăng trưởng, thanh khoản sẽ bớt căng hơn và lãi suất liên ngân hàng có thể vẫn ở mặt bằng cao hơn năm ngoái nhưng không còn tăng quá nóng như thời gian qua", bà Hoàng Thị Minh Huyền, Chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cho hay.
Thanh Hoa