Ngày 10/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống 154,53 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 9/2, 8/2 và 7/2, NHNN bơm ra lần lượt 7.938 tỷ đồng, 4.478,49 tỷ đồng và 1.508,41 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền gửi. |
Như vậy, nếu chỉ tính trong 4 ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, đã có gần 14.154 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng. Diễn biến này khác biệt hoàn toàn với những năm trước, đặc biệt là sau khi mùa cao điểm thanh toán và chi trả dịp Tết Nguyên đán đã đi qua. Cụ thể, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, hoạt động chủ yếu trên thị trường mở là NHNN hút ròng, thậm chí không cần cân đối lượng tiền bị hút, chứ đừng nói đến việc phải bơm thêm tiền hỗ trợ như hiện nay.
Thêm một điểm cần chú ý khác, lãi suất chào bình quân VND liên ngân hàng bất ngờ tăng ở hầu hết các kỳ hạn lên mức trên 3%/năm. Tính đến 9/2, kỳ hạn qua đêm ở mức 3,32%/năm; 1 tuần (3,39%/năm); 1 tháng (3,31%/năm); 6 tháng (4,27%). Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (28/1), lãi suất các kỳ hạn này chỉ dao động từ 2,2%/năm – 3,9%/năm. Thực tế, tham khảo thêm một số kênh dữ liệu cho thấy, có những giao dịch ở kỳ hạn 1 tuần và qua đêm lãi suất vượt cả mốc 3%, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất hỗ trợ 2,5% mà NHNN đang sử dụng.
Theo giới chuyên môn, thanh khoản đang căng lên do năm nay dòng tiền trở lại sau Tết có phần chậm hơn. Nhu cầu tiêu dùng và du lịch, vận tải trong dịp Tết vừa qua tăng cao, tác động tới dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Điều này cũng phù hợp với diễn biến của nền kinh tế khi tín dụng bứt tốc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới. Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ, tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). Đây được xem là mức tăng tháng 1 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong bối cảnh đó, áp lực lạm phát ngày càng tăng, không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, tại thị trường 1 (dân cư và tổ chức tín dụng), các ngân hàng cũng đang đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên để hút tiền gửi.
Ví dụ tại Techcombank, kể từ ngày làm việc đầu tiên năm Nhâm Dần 2022, nhà băng này đã tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm tuỳ theo từng kỳ hạn. Một số ngân hàng khác như: BacABank, DongABank, ACB… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,5%/năm.
VPBank có chương trình Prime Savings, áp dụng cho khách mở mới CIF trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm gửi tiền, khách hàng hiện hữu không có tín dụng online, với ưu đãi lãi suất cho các kỳ hạn từ > 6 tháng: Nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên và không giới hạn sổ gửi, tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên là 12,2% hoặc 12,4%/năm tương ứng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng hoặc từ 300 triệu đồng trở lên.
Thanh Hoa