Tiền gửi ngân hàng đã đạt 9,3 triệu tỷ đồng
Dù lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, tất cả ngân hàng đều ghi nhận số dư tiền gửi tăng lên. Duy nhất TPBank giảm chỉ tiêu này nhưng chỉ giảm nhẹ 0,6%.
Sau 9 tháng, HDBank tiếp tục là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất, tăng 58,3% kể từ đầu năm, đạt 341.700 tỷ đồng. Tính riêng quý III, tăng trưởng tiền gửi tại HDBank đạt mức 10,4%.
VPBank cũng có tăng trưởng tiền gửi ấn tượng trong quý III, tiếp nối đà tăng từ các quý trước đó. Tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này cuối quý III/2023 đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối quý II và tăng 39% so với đầu năm.
Sau 9 tháng, HDBank tiếp tục là ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất, tăng 58,3% kể từ đầu năm, đạt 341.700 tỷ đồng. |
Theo VPBank, động lực tăng trưởng nguồn vốn huy động trong năm nay chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân của ngân hàng mẹ, với mức tăng tới 60% so với đầu năm.
Nhiều ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi trên 20% trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, NamABank tăng 21%, SeABank 22%, VietBank 24,9%.
Một số ngân hàng khác ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi hai chữ số gồm: Sacombank (11,7%), Techcombank (14,1%), MSB (10,7%), OCB (12,7%), Bac A Bank (18,2%), ABBank (10,4%), VietABank (24,9%), Vietbank (13%), BaoViet Bank (18,6%) và Saigonbank (11,6%).
Tuy nhiên, xét về số dư tuyệt đối, BIDV đang tạm thời đứng đầu về lượng tiền gửi, đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng vào cuối quý III, tăng 7,5% so với đầu năm.
Hiện, Agribank chưa công bố Báo cáo tài chính quý III nhưng theo Báo cáo tài chính bán niên trước đó, tiền gửi vào cuối tháng 6 của Agribank đạt hơn 1,69 triệu tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng.
Hai thành viên còn lại của nhóm Big 4 là Vietcombank và VietinBank nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư tiền gửi lần lượt đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng và 1,31 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần, Sacombank tiếp tục chiếm vị thế về tiền gửi với số dư đạt gần 508.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm ngoái. Những vị trí còn lại trong Top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng cao nhất là: MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank và HDBank.
Tiền gửi tăng trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm
Dù lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn ở thời điểm hiện tại. Tính đến đầu tháng 11, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,4%/năm, giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 10 và giảm 3% so với đầu năm.
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm trong nhiều tháng qua. 3 tháng đầu năm, mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng là trên 8%/năm. Đến quý II, lãi suất giảm về quanh mốc trung bình 7%/năm. Tháng 9, tháng 10, hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất quanh mốc 5-5,5%/năm.
Nếu như thời điểm đầu tháng 10 có hơn 10 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 6%/năm thì sang đến đầu tháng 11, không còn nhà băng nào có mức lãi suất trên 6%/năm, trong đó cao nhất là 5,9%/năm, các đơn vị còn lại có lãi suất khoảng 5-5,6%/năm.
Sacombank là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất huy động trong tháng 11. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng, Sacombank giảm mạnh 0,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 5%/năm, kỳ hạn 7 tháng là 5,1%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 5,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng còn 5,3%/năm, kỳ hạn 10 - 11 tháng cùng có lãi suất 5,4%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng trở lên, Sacombank điều chỉnh giảm mạnh từ 0,6 – 0,65%/năm còn 5,6%/năm.
Như vậy, tại kỳ hạn 12 tháng chỉ còn vài ngân hàng huy động lãi suất trên 6%/năm, còn lại đều đưa mức lãi suất dưới 6%/năm.
Cụ thể, PVcombank là 6,2%/năm; BaoVietbank, Oceanbank: 6,1%/năm; nhóm ngân hàng quốc doanh có lãi suất thấp nhất thị trường: Vietcombank 5,1%/năm; BIDV, Vietinbank 5,3%/năm; Agribank 5,5%/năm.
Thanh Hồng