Lãi suất tiết kiệm vừa xuống mức đáy mới khi 3 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, BIDV và Agribank vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm cao nhất về 5,3%, giảm 0,2 điểm % so với trước khi thay đổi, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại những kỳ hạn cao hơn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng đều được đưa về tối đa 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Nhà đầu tư còn lựa chọn nào ngoài kênh tiền gửi ngân hàng?
Lãi suất tại “ông lớn” khác là Vietcombank đã được điều chỉnh trước đó với mức giảm tương tự. Đây là thời điểm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử tại nhóm ngân hàng Big4, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Dù lãi suất tiết kiệm chạm đáy, song người dân vẫn khó "quay lưng" với ngân hàng. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12,9 triệu tỷ đồng tính đến ngày 30/9.
Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng hiện tại, tất cả các kênh đầu tư khác đều có vấn đề: “Thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản trầm lắng, vàng cũng không phải là kênh đầu tư ổn định, ngoại tệ chỉ dành cho những người được phép kinh doanh”.
Vậy nên, ông Hiếu đánh giá dù lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy nhưng người dân chỉ còn kênh đầu tư duy nhất là tiền gửi ngân hàng. Đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, hơn nữa lãi suất dù chỉ 5 - 6%/năm cũng là mức đáng kể để đầu tư.
TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. |
Trong những tháng cuối năm, theo ông Hiếu, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ, có lẽ những kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản khó có sự đột biến, bứt phá. Thị trường ngoại tệ sẽ có tiềm năng tăng trưởng khi tỷ giá đang tăng nóng nhưng đây lại không phải là kênh đầu tư đại chúng. Thị trường vàng cũng tăng trưởng vì ngoài việc nền kinh tế đang trì trệ thì khủng hoảng xung đột ở Trung Đông hiện tại có thể đẩy giá vàng trên thế giới tăng lên.
Vì thế, ông Hiếu dự báo tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. “Từ nay đến cuối năm có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn, nhưng các nhà đầu tư không có sự lựa chọn nào khác ngoài kênh đầu tư tiền gửi ngân hàng. Khi tiền gửi đáo hạn, họ có thể sẽ gia hạn với mong muốn là lãi suất sẽ không giảm thêm.
Còn theo ý kiến của TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP HCM, phải xử lý xong thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể kỳ vọng đến thị trường bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản đang bị chôn vốn ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Và để khơi thông thị trường bất động sản, trước hết, phải giải quyết được vấn đề vốn cho thị trường này.
Trong khi đó, kênh đầu tư chứng khoán được hưởng lợi nhờ các động lực đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng, lãi vay giảm, định giá thị trường hấp dẫn và giải ngân đầu tư công tăng. Vì vậy, đây là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm.
“Lượng tiền chảy qua chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều, mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự”, ông Huân nói.
Rộng hơn, ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trên 6%/năm từ năm sau, với 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
“Các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất và xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhanh như logistics, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dịch vụ tài chính… sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc rót vốn trong trung và dài hạn”, ông Yang Seung Won chỉ rõ.
Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều
Về lãi suất, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nếu từ nay cho đến cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất thì có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không giảm lãi suất như kế hoạch đã đề ra và thậm chí có thể đảo chiều chính sách tiền tệ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Quang Kiệt - Phó trưởng phòng Nghiên cứu và phân tích tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT nhận định, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng chạm đáy với diễn biến hiện tại của nền kinh tế.
Dư địa giảm lãi suất thời điểm này không còn cao do Ngân hàng Nhà nước khó duy trì thanh khoản dư thừa khi tỷ giá chịu áp lực. Tín dụng quý cuối năm cũng thường tăng nhanh sẽ khiến các nhà băng khó hạ thêm lãi suất. Cùng với quy định mới về áp dụng tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, theo dự báo của ông Kiệt, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến hết quý I năm sau.
Trước đó, các chuyên gia tại ngân hàng UOB cho rằng mặc dù có triển vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV/2023 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng vừa qua đã tăng khi các nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cùng những thay đổi về khí hậu/thời tiết.
"Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6/2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%", UOB nêu.
Do đó, dự báo của UOB về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VnDirect cũng nêu quan điểm, thận trọng áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành càng thu hẹp.
Thanh Hồng