Theo giới phân tích, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ lớn giá "bèo" sẽ tác động một cách trực diện đến lợi ích các cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn ưu đãi sử dụng lại chính từ tài sản của doanh nghiệp, cùng với đó là sự pha loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu ESOP được phát hành ra sẽ gây bất lợi cho các cổ đông.
Cổ đông nhỏ lẻ không có phần
Hàng loạt ngân hàng đang lên kế hoạch phát hành ESOP cho các cổ đông. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa có quyết định triển khai phương án phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP.
LienVietPostBank vừa có quyết định triển khai phương án phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP. |
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết sẽ phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, ước tính tổng số tiền thu về khoảng 148,2 tỷ đồng. Theo phương án đã được thông qua tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4, giá phát hành ESOP là 11.500 đồng/cổ phiếu, bằng gần 63% mức giá giao dịch hiện tại.
HDBank cũng chuẩn bị phát hành 20 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên ngân hàng, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2021. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm theo quy định.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã phát hàng xong hàng chục triệu cổ phiếu ESOP. Chẳng hạn, trong tháng 9, Techcombank đã phát hành xong hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 0,1714% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Techcombank bán số cổ phiếu này cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/5 thị giá cổ phiếu TCB đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm đó.
VPBank cũng đã kết thúc đợt chào bán 15 triệu cổ phiếu ESOP năm 2021 từ nguồn cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Về cơ bản, việc phát hành cổ phiếu ESOP của các doanh nghiệp là nhằm tri ân những đóng góp của của cán bộ nhân viên. Theo đó, những người được nhận cổ phiếu ESOP sẽ là những lao động làm lâu năm, có đóng góp trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cho biết: “Việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên HDBank trong thời gian qua, đồng thời khích lệ tinh lần làm việc và sự gắn bó lâu dài của người lao động góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng”.
Cổ phiếu ESOP thường được giải tỏa trong vòng 1 - 4 năm và bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên, với mức giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá trị trường, đây vẫn là món hời đối với người mua.
Thông qua ESOP, chủ doanh nghiệp cũng mong mốn nhân viên sẽ thay đổi tâm thế làm việc, từ tư cách của người làm thuê sang tư cách của người làm chủ. Khi hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự nâng lên sẽ tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.
Cổ đông lớn “ăn đậm”
Chia sẻ với VnBusiness, một chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Trí Việt cho biết, năm nay, thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, món quà này càng có giá trị. Ví dụ, VPBank bán 15 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ thu về được 150 tỷ đồng. Trong khi tại thời điểm ngân hàng phát hành (tháng 8/2021), giá thị trường của cổ phiếu VPB vào khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu, cán bộ nhân viên được mua ESOP đã lập tức lời tổng cộng 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện nay, cơ chế phát hành ESOP đa phần là uỷ quyền cho Hội đồng quản trị, các cổ đông nhỏ lẻ khó có thể tham gia bầu chọn. Vì vậy, phần lớn các cổ đông lớn, các "sếp" ngân hàng sẽ nhận được phần thưởng này.
Do đó, các chương trình ESOP thời gian qua đã vấp phải sự phản ứng của một số cổ đông trước sự hoài nghi tiền của ngân hàng đang “chảy” vào túi cá nhân nội bộ thông qua con đường ESOP?
Đánh giá về chính sách thưởng bằng cổ phiếu cho nhân viên, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp, một cổ đông nhận xét, đây được xem như "củ cà rốt" của nhiều doanh nghiệp. “Ban lãnh đạo, nhóm đối tượng nhận ESOP nhiều nhất, lại đồng thời là cổ đông lớn của doanh nghiệp, tức là hoạt động ESOP chỉ là phương án ném tiền từ túi này sang túi khác, nhưng tránh được thuế, và móc túi được cổ đông nhỏ lẻ qua việc phát hành giá rẻ", cổ đông này nói.
Bên cạnh đó, phát hành ESOP cũng tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa các cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ. Việc sử dụng hình thức phát hành thêm với giá rẻ cho nhân viên sẽ dẫn tới sự pha loãng cổ phiếu trên thị trường, gây hại cho nhà đầu tư, kèm theo hiệu ứng tăng cung cổ phiếu khiến giá cổ phiếu có xu hướng sụt giảm khi nhận tin ESOP.
Ngoài ra, cơ chế hạch toán ESOP cũng mập mờ, chỉ thể hiện dòng tiền thu được từ phát hành thêm mà không điều chỉnh trực tiếp lợi nhuận, khiến nhà đầu tư rất khó đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.
Thanh Hoa