VIB muốn tăng vốn điều lệ lên khoảng 16.000 tỷ đồng. |
Một số chuyên gia cho rằng, sức nóng của thị trường chứng khoán chính là một trong những lý do quan trọng trong cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, dự phòng rủi ro tín dụng mà còn thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
"Chạy đua" tăng vốn
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng như: Kienlongbank, LienVietPostBank, SeABank, VIB, NCB, MSB, ABBank… đều được ĐHĐCĐ thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ.
Đáng lưu ý, phương án tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và dùng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài, được đa số ngân hàng lựa chọn.
Mới đây, VIB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 4.438 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn. Qua đó, quy mô vốn có thể nâng lên mức tối đa hơn 15.531 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, ngân hàng còn dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng.
Tương tự, NCB cho biết, ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Theo đó, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tới 75.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là mức vốn điều lệ cao nhất trong ngành, vượt xa cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV và dành ngôi vị số 1 về vốn điều lệ ngành Ngân hàng.
Theo đó, VPBank lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài.
Cuộc chạy đua tăng vốn không chỉ diễn ra ở nhóm ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, tăng vốn điều lệ là chủ đề "nóng" trong mùa ĐHĐCĐ năm nay của nhóm “big 4”.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 2021-2022, BIDV đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Còn Vietcombank sẽ tăng 3.076 tỷ đồng, nâng mức vốn lên hơn 50.401 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Vốn điều lệ của Vietinbank dự kiến tăng lên 54.134 tỷ đồng trong năm nay, nếu phương án chia cổ tức được NHNN phê duyệt.
Tăng vốn để ứng phó với dịch Covid-19
Áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng chưa bao giờ giảm vì trong những năm gần đây tốc độ tăng tổng tài sản trung bình từ 10 - 12%/năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 13 - 14%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7 - 8%.
Với mức tăng đó, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, nhiều nhà băng phải sử dụng cả 4 phương thức huy động vốn, bao gồm: Kêu gọi hoặc bán vốn cho cổ đông chiến lược, bán cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Thứ hai là giữ lại một phần cổ tức. Thứ ba là tiếp tục phát hành trái phiếu dài hạn, để tăng vốn cấp 2. Cuối cùng là đề xuất cho phép phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP).
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng các ngân hàng khi đưa ra phương án tăng vốn là họ có cái nhìn lạc quan về sự phát triển kinh tế trong thời gian tới và đáp ứng mục đích tăng trưởng hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, năm nay sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, trong đó, sức hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những yếu tố chính khiến nhiều ngân hàng mở rộng kế hoạch phát hành cổ phiếu.
Nhiều người cho rằng phát hành cổ phiếu nhiều sẽ pha loãng giá trị, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nhận định này là chưa chính xác vì giá trị vốn hóa của công ty vẫn thế khi phát hành thêm cổ phiếu. Giá cổ phiếu có thể sẽ giảm khi thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng từ đó sẽ có dư địa tăng trưởng hơn.
Đề cập về việc hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ, TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, ngân hàng cần tăng sức đề kháng. Đặc biệt trong năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ xấu ở các ngân hàng tăng mạnh, do đó nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Tăng vốn là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng.
"Rủi ro gia tăng thì hệ số CAR của các ngân hàng càng phải dày hơn để ứng phó tốt, hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động", chuyên gia này khẳng định.
Huyền Anh