TPBank dự kiến không chia cổ tức năm 2020, ngân hàng sẽ trích 5% tương đương 175 tỷ đồng cho quỹ bổ sung vốn điều lệ. |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian vừa qua đã nhận được đề nghị của ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có nhu cầu giảm mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 29 Luật các TCTD. Tuy nhiên, Thông tư số 50/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới chỉ quy định về việc tăng mức vốn điều lệ của NHTM mà chưa có quy định về việc giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần.
Vì vậy, NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018/TT-NHNN. Trong đó, NHNN dự định sẽ bổ sung quy định về giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ của NHTM trong trường hợp chuyển giao bắt buộc NHTM được kiểm soát đặc biệt).
Cụ thể, Dự thảo Thông tư bổ sung Điều 14a về giảm mức vốn điều lệ của NHTM cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông để phù hợp với các quy định về trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông; quy định về mua lại cổ phần của doanh nghiệp, NHTM; quy định về công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng.
Về thủ tục, NHTM có văn bản nêu rõ lý do giảm, mức vốn điều lệ dự kiến giảm, thời gian dự kiến hoàn thành việc giảm mức vốn điều lệ. Được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án giảm vốn điều lệ…
Bên cạnh đó, NHTM có đánh giá tác động của việc giảm vốn điều lệ đối với tình hình hoạt động, an toàn hoạt động của NHTM (trước và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ).
Về trình tự, NHTM lập hồ sơ gửi NHNN. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, NHNN có văn bản yêu cầu NHTM bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN có văn bản chấp thuận đề nghị giảm mức vốn điều lệ của NHTM. Trường hợp không chấp thuận, NHNN có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Văn bản chấp thuận giảm mức vốn điều lệ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.
Có thể thấy, thông tin một số ngân hàng muốn giảm vốn điều lệ gây bất ngờ cho thị trường, bởi thời gian gần đây, ngành ngân hàng thường xuyên diễn ra làn sóng tăng vốn điều lệ. Riêng trong năm nay, theo thông tin chính thống từ các nhà băng, hiện đã có hơn 10 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn.
Sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, đã được hầu hết các ngân hàng triển khai từ năm 2019.
CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của NHTM. Hệ số này càng cao có nghĩa là năng lực tài chính của ngân hàng sẽ được cải thiện đáng kể sau đợt tăng vốn ở thời điểm cuối năm.
T.Hoa