FE Credit chốt xong thương vụ bán 49% vốn cho tập đoàn tài chính của Nhật Bản. |
Ngày 28/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC. Đồng thời, giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của Ngân hàng để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.
Đối với Tập đoàn SMBC, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của tập đoàn. Tập đoàn SMBC kỳ vọng khoản đầu tư này tạo ra sức mạnh cộng hưởng theo cả hai chiều: chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình và tiếp thu bí quyết kinh doanh của đối tác.
Nếu tính từ khi thành lập công ty con (từ năm 2015 đến nay), FE Credit đã mang lại cho VPBank gần 19.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Còn nếu tính từ khi thành lập, FE Credit đã mang về cho ngân hàng này trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong giai đoạn 2016-2019, FE Credit thường đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank, được coi là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank.
Trước đó, năm 2017, VPBank từng có kế hoạch bán vốn tại FE Credit và được nhiều đối tác ngoại hỏi mua, song VPBank tuyên bố hủy bỏ kế hoạch bán công ty này do thời điểm đó FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận cho ngân hàng.
Giai đoạn 2017-2019, lợi nhuận mà công ty này mang lại mỗi năm lên tới 4.000-4.500 tỷ đồng. Năm 2020, chịu ảnh hưởng bởi Covid -19, song công ty này vẫn lãi trước thuế hơn 3.700 tỷ đồng. Đây cũng là công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất hệ thống công ty tài chính, ROAA và ROAE năm 2020 lần lượt đạt 4,1% và 23,4%.
Tuy nhiên, gần đây, lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ VPBank tăng mạnh, tỷ trọng đóng góp của FE Credit vào lợi nhuận hợp nhất ngày càng giảm. Năm 2020, FE Credit chỉ còn đóng góp 28% vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank.
Dẫu vậy, FE Credit vẫn là công ty tài chính có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm hơn 50% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn thị trường. Tại ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit là 66.000 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, việc VPBank bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Một đối tác chiến lược nước ngoài với FE Credit có thể cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro. Thương vụ này sẽ kết hợp được nguồn lực giữa FE Credit và đối tác chiến lược, từ đó củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp.
Sau khi nghiên cứu các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực sở hữu hoạt động kinh doanh và phân khúc sản phẩm tương tự, VNDirect đánh giá FE Credit có thể đạt được mức P/BV mục tiêu 3,5 – 4,0 lần (mức thấp nhất trong các doanh nghiệp khu vực có ROE tương đương) cho thương vụ chiến lược này, tương đương định giá công ty đạt 2,3 - 2,6 tỷ USD.
Theo dự kiến, ngày 29/4 VPBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Theo tài liệu công bố, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được thực hiện một số nội dung như: thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết khác để thực hiện các ngành nghề kinh doanh được phép theo quy định pháp luật; thông qua phương án bán vốn đầu tư của VPBank tại các công ty con; thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức pháp lý, tổ chức sắp xếp lại mô hình, chức năng hoạt động cua các công ty con của VPBank nếu cần thiết và có lợi cho ngân hàng…
Huyền Anh