Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể trong tổng GDP hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Các ngân hàng đều muốn đẩy mạnh tín dụng SME, hướng đến nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhưng không ít trường hợp 2 bên chưa gặp được nhau. Vì vậy, huy động vốn vẫn luôn là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn.
Ngân hàng "lực bất tòng tâm" khi giải ngân cho doanh nghiệp SME
Đại diện các ngân hàng cho biết, dù rất muốn nhưng nhiều khi ngân hàng "lực bất tòng tâm" trong giải ngân vì không đủ dữ kiện để đánh giá tình trạng tài chính của doanh nghiệp SME. Đây cũng là nút thắt lớn nhất khi cho vay nhóm khách hàng này. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp; đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp của SHB nêu rõ, sở dĩ doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng là vì họ còn thiếu năng lực kinh nghiệm.
“Các doanh nghiệp này thường duy trì 2 hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách kế toán. Ngân hàng khi thẩm định năng lực, tính khả thi của phương án sẽ thấy báo cáo tài chính như vậy có độ tin cậy thấp, không đánh giá được năng lực kinh doanh của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi của phương án nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay, đặc biệt doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo”, ông Dũng cho hay.
Doanh nghiệp SME hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi của phương án nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay. |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp SME trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi đối với nhóm này với lãi suất hấp dẫn.
Chương trình áp dụng đối với khách hàng SME (không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn – bán lẻ) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Chương trình áp dụng đối với các khoản giải ngân ngắn hạn bằng VND. Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà còn được tư vấn sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ,…nhằm đồng bộ giải pháp tài chính, tối ưu các hoạt động thanh toán và giảm chi phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Doanh nghiệp SME mong được vay tín chấp
Về phần doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME), cho rằng, các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp linh hoạt như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất nâng cao hoạt động cho vay tín chấp. “Các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay này chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm", ông Quốc Anh đề xuất.
Nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10 về việc ngưng thi hành một số điều khoản cấm cho vay tại Thông tư 06 sắp có hiệu lực từ 1/9 tới đây, ông Mạc Quốc Anh cho rằng đây là động thái hết sức kịp thời của nhà điều hành, giúp cho các doanh nghiệp yên tâm với các khoản đầu tư mới.
“Với các nhà đầu tư, việc đầu tư vào một dự án mới, điều quan trọng là thủ tục pháp lý cần đảm bảo một cách chặt chẽ, tối ưu. Theo tôi Thông tư 10 đã đảm bảo chắc chắn quyền lợi cho các nhà đầu tư”, ông Quốc Anh nêu quan điểm.
Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng nên đẩy mạnh ứng dụng ngân hàng di động khi ứng dụng này hiện đã trở thành một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với các doanh nghiệp SME. Sự tiện lợi, linh hoạt và khả năng tương tác thông qua các thiết bị di động đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc quản lý tài chính và phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng hiện đang cho phép doanh nghiệp SME mở tài khoản hoàn toàn trực tuyến. Thậm chí, một số ngân hàng hỗ trợ chữ ký điện tử. Ngân hàng nào vẫn duy trì yêu cầu tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua phương tiện video trước khi hoàn tất việc mở tài khoản nên xem xét lại.
“Rõ ràng đã có một bước tiến quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng linh hoạt và tiện ích hơn cho doanh nghiệp SME, đồng thời thể hiện sự thích nghi của ngành ngân hàng với xu hướng số hóa và công nghệ”, một chuyên gia nhận định.
Thanh Hồng