Nhiều chuyên gia ủng hộ quy định buộc doanh nghiệp phải thanh toán không dùng tiền mặt để tăng minh bạch dòng tiền. (Ảnh Int). |
Cục Thuế TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét quy định các tổ chức áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Theo Cục thuế TP.HCM, các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán... đang ngày càng trở nên phổ biến.
Do vậy, việc buộc các doanh nghiệp phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua/bán hàng hóa và không giới hạn tổng giá trị thanh toán sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.
Bên cạnh đó, thanh toán không sử dụng tiền mặt cũng là định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong những năm gần đây.
Đưa ra ý kiến cho đề xuất này, nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và khẳng định, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết, doanh nghiệp luôn sẵn sàng thực hiện các giao dịch trên nền tảng số do ngân hàng cung cấp.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, kế toán viên tại Công ty TNHH Thái Phú (Hà Nội) chia sẻ, giao dịch thanh toán trên kênh ngân hàng số hiện nay rất thuận lợi và dễ dàng. Đặc biệt, phí không còn là gánh nặng khi hầu hết các ngân hàng đang áp dụng miễn phí giao dịch trên nền tảng số. Do đó, 80% giao dịch của công ty đã chuyển từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến.
Các chuyên gia cũng đánh giá, việc các ngân hàng miễn phí giao dịch trực tuyến chính là điều kiện thuận lợi để ban hành quy định mới nhằm giảm thanh toán không tiền mặt của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần yêu cầu ngành ngân hàng thiết kế lại sao kê để có thể thay thế sổ phụ của ngân hàng nhằm giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.
Vẫn lo nghẽn mạng
Mặc dù ủng hộ quy định buộc doanh nghiệp phải thanh toán không dùng tiền mặt để tăng minh bạch dòng tiền, nhưng nhiều doanh nghiệp lại lo ngại sẽ gặp khó do hạ tầng thanh toán chưa đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nông sản tại Bắc Ninh băn khoăn, quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. “Công ty chúng tôi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nên thường xuyên thu mua nguyên liệu trực tiếp từ bà con nông dân. Chẳng hạn, khi mua khoai lang, khoai tây, cà rốt… của nông dân, doanh nghiệp muốn chuyển khoản 100% số tiền cũng khó vì không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Ngược lại, khi bán hàng, nếu khách hàng là nông dân không thanh toán qua ngân hàng, doanh nghiệp sẽ khó xử lý các giao dịch này bởi nhận tiền mặt sẽ vi phạm”.
Vì vậy, bà Hồng cho rằng, đề xuất của ngành thuế TP.HCM trước hết chỉ có thể triển khai ở một số địa bàn có điều kiện hạ tầng công nghệ thanh toán phát triển và cũng chỉ áp dụng cho những dịch vụ công hay hàng hóa mà doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước cung cấp, đơn cử như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí...
Thực ra, nỗi lo của bà Hồng không phải không có căn cứ, bởi tình trạng nghẽn mạng đã từng xảy ra tại nhiều ngân hàng. Đơn cử như thời gian qua khách hàng của Techcombank phản ánh không thể thực hiện được giao dịch chuyển tiền do mất kết nối hoặc đường truyền quá chậm. Sau đó, Techcombank ra thông báo giải thích lý do giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử của Techcombank không thể thực hiện được là tại "số lượng giao dịch tăng đột biến và ngân hàng đang tăng cường hệ thống.
Chia sẻ về lo ngại của doanh nghiệp, giám đốc trung tâm ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, BIDV không ngại khi tất cả giao dịch của khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp đều sử dụng trên nền tảng số của ngân hàng này.
“Số khách hàng cá nhân hiện nay của BIDV lên tới gần 20 triệu khách hàng, vì vậy nếu tệp khách hàng doanh nghiệp lên tới 1 triệu doanh nghiệp, con số này cũng chỉ là 1 phần rất nhỏ so với số lượng khách hàng cá nhân. Hiện nay, bình quân 1 tháng mỗi khách hàng cá nhân của BIDV sử dụng từ 7 đến 8 giao dịch, cho thấy số lượng giao dịch rất “khủng”, nhưng BIDV vẫn đáp ứng khá tốt”, ông Thắng dẫn chứng thêm.
Tương tự, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long cho biết, hiện Agribank có khoảng 19,6 triệu khách hàng, trong đó số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt qua kênh điện tử của Agribank tăng trưởng mạnh. Song, hạ tầng công nghệ của Agribank vẫn đảm bảo các giao dịch chuyển khoản, thanh toán mua/bán hàng trực tuyến của khách hàng diễn ra thuận lợi và thông suốt.
Huyền Anh