Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, tính đến tháng 6/2018, Việt Nam có khoảng 136 triệu thuê bao di động, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thuê bao 4G tăng 53%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đây chính là cơ hội tiềm năng để QR Code phát triển tại Việt Nam.
Ngân hàng ào ạt triển khai
Thực tế trong năm 2018 chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc về lượng người dùng cũng như doanh thu mà phương thức thanh toán này mang lại.
Ông Trần Trí Mạnh, đại diện CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), cho biết Việt Nam hiện có hơn 20.000 cửa hàng (merchants) chấp nhận thanh toán bằng VNPAY-QR với mức tăng trưởng người dùng lên tới 30% mỗi tháng.
Số liệu thống kê khoảng 3 tháng gần đây của Maritime Bank cũng cho thấy tổng doanh số thanh toán qua phương thức này ước tính bình quân trên 300 tỷ đồng/tháng, tốc độ tăng trưởng trên 26,2%/tháng.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, so với các hình thức thanh toán thẻ tín dụng thông thường, điểm nổi bật của QR Code là bên cạnh việc người dùng không cần phải mang theo thẻ bên người, QR Code còn giải quyết được bài toán về mất an toàn khi thanh toán qua thẻ tín dụng.
Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc Maritime Bank, cho biết thanh toán bằng mã QR đang trở thành xu hướng mới, đang được nhiều nước áp dụng. Phương thức thanh toán này được đánh giá là an toàn, đơn giản, dễ sử dụng. Chỉ cần mất vài giây là có thể hoàn tất giao dịch chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng cho nhiều dịch vụ đa dạng ở nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi, mua sắm online… mà không cần dùng tiền mặt, không lo lộ thông tin thẻ.
Thời gian qua, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân hàng thương mại mạnh tay khuyến mãi, giảm giá cho người dùng khi thanh toán qua QR Code, giúp phương thức này ngày càng phổ biến.
Chẳng hạn, Eximbank, Sacombank, Maritime Bank… đang áp dụng khuyến mãi giảm giá 10-20% trên tổng hóa đơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển hạ tầng thanh toán di động, trong đó quét mã bằng QR Code được dự báo sẽ bùng nổ tại Việt Nam.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán QR code hiện mới chiếm 10% tổng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, hiện nay, số lượng máy ATM đã lên đến 18.000 và số lượng thẻ hoạt động là 87 triệu thẻ ATM. Số lượng máy POS cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2016.
“Đây cũng chính là điểm hạn chế khi số người dùng Mobile Banking, ví điện tử… ít hơn nhiều so với lượng khách hàng dùng thẻ ngân hàng các loại”, vị này nói.
Chuẩn bị bứt tốc
Đại diện nhiều ngân hàng nhận xét, với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với thanh toán bằng thẻ, đặc biệt là xu hướng tiện dụng đang được giới trẻ ưa dùng thì trong tương lai, thanh toán bằng mã QR sẽ bứt tốc, tăng trưởng vượt bậc so với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Các chuyên gia dự báo năm 2019 sẽ là năm rất bận rộn đối với các ngân hàng, các doanh nghiệp triển khai QR Code. Năm 2019 sẽ có thêm nhiều đơn vị kinh doanh, tổ chức ngân hàng chuẩn bị hạ tầng để áp dụng phương thức thanh toán bằng mã xác thực QR Code.
“Nếu như năm 2018 chỉ có 18 ngân hàng ứng dụng mã QR Code thì sang năm 2019, những ngân hàng còn lại chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội gia tăng thị phần. Như vậy, năm 2019, phương thức thanh toán này sẽ “phủ sóng” rộng rãi tại Việt Nam”, một chuyên gia đánh giá.
Dự kiến trong vòng khoảng 2-3 năm nữa, thanh toán bằng QR Code sẽ phát triển song song với các phương thức thanh toán điện tử khác, góp phần làm giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho rằng để đạt được kỳ vọng đưa QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng, thay thế hoàn toàn thanh toán bằng tiền mặt cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR Code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
Hiện nay, hạn chế lớn nhất của phương thức này tại Việt Nam là chưa có chuẩn chung về QR Code, gây khó khăn trong việc liên thông thanh toán. Việc có một chuẩn chung về mã QR Code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam để các hệ thống khác nhau có thể đọc được mã của nhau, hướng tới sự liên thông trong thanh toán là rất cần thiết, tiện lợi cho cả khách hàng và ngân hàng.
Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”, dự kiến sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.
Huyền Anh