Khảo sát của VnBusiness, sau 2 tuần bơm ròng liên tiếp, tuần này (từ ngày 21/2 - 25/2), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoạt động bơm tiền hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống đã giảm mạnh. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 21/2, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Ngày ngày 23/2 ghi nhận 1 giao dịch với khối lượng trúng thầu là 377 tỷ đồng.
Thanh khoản bớt căng thẳng là yếu tố giúp cho lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. |
Hiện, lượng OMO đang lưu hành giảm xuống còn 14.912 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục đóng băng trong hơn 1,5 năm trở lại đây.
Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bắt đầu giảm bớt căng thẳng, khi nhu cầu vay mượn vốn kỳ hạn ngắn trên thị trường mở đã giảm rõ rệt.
Thanh khoản bớt căng thẳng là yếu tố giúp cho lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. Trong tuần từ ngày 14 - 18/2, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến hạ nhiệt, giảm lần lượt 0,66%; 0,52% và 0,37% xuống còn 2,74% 2,78% và 2,93%/năm. Và tính đến ngày 23/2 lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm về mức lần lượt là 2,57%; 2,70%; 2,54.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong tuần tới lãi suất sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt nhờ thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào hơn, khi yếu tố mùa vụ qua đi và lượng vốn FDI thực hiện hay xuất khẩu tăng. Do đó, NHNN có thể sẽ tiếp tục mua ngoại tệ và bơm VND ra ngoài thị trường.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn ngắn đều ở mặt bằng cao hơn so với 2 năm trước đó. Vì vậy, trong thời gian tới lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm xuống mặt bằng thấp của năm 2020 hay thấp hơn năm 2021, tuy nhiên, sẽ không còn tăng mạnh như trong các tuần vừa qua.
Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam: “Diễn biến lãi suất liên ngân hàng qua đêm trong tháng 2 sẽ duy trì ở mức cao 2% -3% rồi hạ nhiệt cho lãi suất qua đêm với điều kiện thanh khoản thị trường dần ổn định trở lại sau khi mùa cao điểm thanh toán và chi trả dịp Tết Nguyên Đán đi qua”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam ngày càng lớn, đến từ lạm phát nhập khẩu.
"Lạm phát thế giới tăng cao, vừa rồi lạm phát Mỹ lên tới 7,5% cao nhất 40 năm vừa qua. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các quốc gia Tây phương. Điều này sẽ đẩy lạm phát của Việt Nam, cộng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có một lượng tiền được bơm vào. Theo dự báo của tôi, lạm phát của Việt Nam năm nay khó giữ được ở mức dưới 4%", TS Hiếu nhận định.
Dù chủ trương của ngành ngân hàng là giữ lãi suất cho vay thấp, để làm được thì các ngân hàng phải giữ được lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, với áp lực kể trên lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trong năm nay là khó tránh khỏi.
Hiện lãi suất huy động trên thị trường sau khi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ hồi đầu tháng 2, đến nay vẫn duy trì ở mức ổn định. Số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, hiện lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
T.H