Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin (21/7/2023), có 10 đợt phát hành với tổng giá trị 3.895 tỷ đồng được ghi nhận trong 3 tuần đầu của tháng 7. Trong đó có 9 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam trị giá 300 tỷ đồng.
Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 1.295 tỷ (chiếm 33,2%), lãi suất phát hành của nhóm ngân hàng ở mức 7%/năm và các nhóm ngành còn lại dao động trong khoảng từ 9% - 12%/năm.
Trong 3 tuần đầu tháng 7, ngành ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu, chiếm hơn 52% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 68.867 tỷ đồng). |
Theo các ngân hàng, phát hành trái phiếu tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, bởi vì tiền gửi của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay chủ yếu là ngắn hạn (82%).
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các TCTD phát hành trái phiếu là để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư của nền kinh tế… Đây là nguồn vốn cần thiết và quan trọng, hỗ trợ các TCTD có đủ vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng và thực tế bình quân hàng năm các TCTD phát hành trái phiếu chiếm tỷ lệ từ 30-35% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Cá biệt năm 2022, Hiệp hội cho biết, tỷ lệ này lên đến 59% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Lý giải về thực tế này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đa phần trái phiếu phát hành với kỳ hạn 2-4 năm có thể là tín hiệu của việc thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn tạm thời tại các ngân hàng.
Việc giãn, hoãn nợ thời gian qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, gây nên thiếu hụt vốn. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp.
"Mặt khác, phát hành trái phiếu còn đáp ứng nhu cầu tăng vốn bổ sung của các ngân hàng nhằm gia cố tỷ lệ an toàn vốn khi tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu", ông Hiếu nhận định.
Cũng theo báo cáo từ Hiệp hội Ngân hàng, trong 3 tuần đầu tháng 7, ngành ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu, chiếm hơn 52% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 68.867 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 145.664 tỷ đồng, bao gồm: 49% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 71.955 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 26.310 tỷ đồng (chiếm 18% giá trị trái phiếu tới hạn).
Mới đây, HDBank thông báo sẽ mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (lô HDBL2225010) vào ngày 28/7/2023. Đây là lần thứ 4, HDBank mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 2 tháng qua.
Tương tự, từ đầu tháng 7 tới nay, LPBank có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn (ngày 7/7, 14/7 và 19/7) với tổng giá trị mua lại 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB cũng mua lại trước hạn 5.000 tỷ đồng 2 lô trái phiếu vào ngày 7/7 và 14/7. Các ngân hàng khác như ABBank, TPBank, Techcombank… chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong vài tháng qua.
Một lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.
Thanh Hoa