Cụ thể, từ đầu tuần tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tất cả các phiên. Điển hình, ngày 11/5 NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/kỳ hạn đều với lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 11.955,73 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có đáo hạn.
Như vậy, trong phiên hôm qua NHNN hút ròng 11.955,73 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 24.646,4 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia: Việc phát hành ở kỳ hạn dài nhằm hút bớt lượng thanh khoản dư thừa trên hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh tín dụng đầu năm tương đối chậm.
![]() |
So với tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong những ngày đầu tháng 5 này đã giảm mạnh. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đến ngày 27/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.
Tại hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh vùng Đông Nam Bộ diễn ra chiều ngày 11/5, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do nền kinh tế nước ta có độ mở cao, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế. Trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; Đối với nhóm SMEs, việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế là do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế…
Theo đó, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm tiếp 0,03 – 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Hiện lãi suất qua đêm chỉ còn 4,78%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất thị trường dân cư đã dần ổn định, nhiều NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm khoảng 0,18% so với cuối năm 2022 (trong đó 29 NHTM giảm lãi suất tiền gửi), lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,3%/năm, giảm khoảng 0,65%/năm so với cuối năm 2022 (trong đó 26 NHTM giảm lãi suất cho vay).
Chẳng hạn, kỳ hạn 12 tháng gửi online được VPBank niêm yết 8,1%/năm, Techcombank và Sacombank là 7,8%/năm, SHB 7,9%/năm, MB 7,4%/năm...
Bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giữ nguyên lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Kỳ hạn 12 tháng được Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều niêm yết mức 7,2%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được vì lãi cao, doanh nghiệp khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư. Và đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay phải giảm mạnh trong thời gian tới.
Ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất dựa vào đánh giá tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế, đồng thời sẽ đưa ra định hướng cụ thể cho các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất cho vay.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ổn định giá trị đồng tiền và đảm bảo sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các NHTM để tiếp tục cắt giảm những chi phí để có thể tạo điều kiện một cách tốt nhất hạ lãi suất cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn", ông Tú nói.
Thanh Hoa