Ngày 4/4, phát biểu tại họp báo về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho rằng, NHNN đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần vào ngày 15/3 và ngày 3/4 vừa qua. Chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ của NHNN khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
"NHNN đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng thời gian qua khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư", ông Cường nói.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu
Theo khảo sát của VnBusiness, mặt bằng lãi suất huy động giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi cuối năm ngoái. Đáng lưu ý, mức lãi suất 9%/năm cũng “biến mất”, thay vào đó lãi suất cao nhất đang ở khoảng 8,5-8,6%/năm hiện áp dụng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi ở ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cao nhất gửi tại quầy là khoảng 7,2%/năm.
Lãi suất cao nhất đang áp dụng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 8,5-8,6%/năm, trong khi ở ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cao nhất gửi tại quầy là khoảng 7,2%/năm. |
Cụ thể, từ ngày 3/4 nhóm ngân hàng có vốn nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Tuy nhiên lãi suất huy động hiện vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung khi lãi suất không kỳ hạn chỉ còn 0,1%/năm tại Vietcombank, VietinBank, BIDV và 0,5%/năm tại Agribank.
Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần, việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng diễn ra rộng khắp các ngân hàng, với mức giảm lên đến 1,7 điểm %.
Ngày 4/4, tài khoản gửi tiết kiệm online tới hạn, chị PhươngAnh (HàNội) đăng nhập ứng dụng Mobile Banking của NamABank để tất toán, gửi kỳ hạn mới. Tuy nhiên, kỳ hạn 12 tháng lãi suất giảm còn 8,1%/năm thay vì mức lãi suất8,8% niêm yết 1 tháng trước.
"Lãi suất huy động giảm nhanh nên tôi cũng băn khoăn chọn kỳ hạn và mở lại tài khoản mới, tôi chọn kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn", chị PhươngAnhcho biết.
Hay như tại Sacombank khảo sát ngày 4/4 lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn dưới 6 tháng hiện đã giảm về 5,4% - 5,5%/năm; kỳ hạn 6 - 8 tháng là 7,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7,8%. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện chỉ còn 8,2% cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Với đà giảm mạnh lãi suất huy động như hiện nay, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Đây là tín hiệu tốt trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời chuyên gia dự báo thời điểm lãi suất cho vay giảm mạnh có thể là vào cuối tháng 4. Kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5 - 2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm khoảng cuối tháng 4/2023".
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố, các chuyên gia của SSI dự báo xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhưng về trung hạn, áp lực vẫn còn trong trường hợp tín dụng hồi phục, cũng như tỉ lệ vốn ngân hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh giảm vào tháng 10 tới.
Hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 3/4, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quý I/2023, NHNN đã điều tiết, hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản. Cụ thể, trong quý NHNN đã mua 4 tỷ USD. Đồng thời, từ sau Tết tiền gửi tại hệ thống ngân hàng khá cao.
Thanh khoản dồi dào, song tăng trưởng tín dụng chậm lại, đến cuối tháng 3 chỉ đạt 2,06%, Thống đốc cho biết, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái. Hiện NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.
Đề cập một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh dòng vốn trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN đang phối hợp các bộ ngành, Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư 16 để đảm bảo tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của ngân hàng SVB (Mỹ), đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.
“NHNN cũng đã họp với các bộ ngành về chương trình hỗ trợ lãi suất. Các bộ ngành thống nhất không sửa Nghị định 31 và đang xem xét vấn đề chuyển nguồn”, Thống đốc thông tin.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, cân nhắc các rủi ro.
Chẳng hạn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Qua trao đổi với IMF, NHNN cho rằng, các bộ ngành có thể cân nhắc kiến nghị của tổ chức này, đó là các bộ ngành khó có thể đánh giá các dự bất động sản, nên cần bên thứ 3 như kiểm toán, để các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ.
IMF cũng khuyến nghị thực hiện các giải pháp cần tránh rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng, kiểm soát kỳ hạn bởi thị trường trái phiếu và bất động sản có kỳ hạn dài.
Huyền Anh