Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021, ghi nhận các mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Khoản lãi mà Techcombank thu được từ khoản đầu tư chứng khoán nợ (trái phiếu) tính đến 30/9/2021 đạt hơn 4.900 tỷ đồng (Ảnh: Int) |
Theo báo cáo tài chính riêng ngân hàng, tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Techcombank đạt 523.334 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 309.310 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng tín dụng 13,1%.
Với hoạt động cho vay khách hàng, Techcombank tập trung cho vay kinh doanh bất động sản, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, Techcombank cũng đang dần chuyển hướng cho vay xuất nhập khẩu nhiều hơn, khi ngân hàng tích cực cam kết bảo lãnh trong nghiệp vụ thư tín dụng (L/C).
Khoản cam kết nghiệp vụ L/C ngoại bảng của Techcombank là hơn 44.000 tỷ đồng. Chưa kể, khoản nợ phải thu từ nghiệp vụ L/C mà Techcombank đã thực hiện, được hạch toán nội bảng là 21.583 tỷ đồng. Riêng khoản phải thu này chiếm tới 4% tổng tài sản của ngân hàng.
Về huy động tiền gửi, Techcombank thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ký quỹ, chiếm tỷ lệ 50% tổng tiền gửi khách hàng, nhờ đó hạn chế được chi phí trả lãi tiền gửi, nới rộng NIM (biên lãi ròng) tới 4,2%.
Chỉ số NIM cao là yếu tố chính hỗ trợ mức tăng mạnh thu nhập lãi thuần của Techcombank trong 9 tháng qua (tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái). Thu nhập lãi cho vay đạt 19.400 tỷ đồng, trong khi chi phí trả lãi tiền gửi chỉ khoảng 4.768 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động tín dụng, Techcombank cũng kiếm được khá nhiều tiền lãi nhờ đầu tư chứng khoán nợ (trái phiếu). Techcombank ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán nợ khoảng 87.702 tỷ đồng, bao gồm 14.249 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 20.059 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng khác và 53.194 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Khoản lãi mà Techcombank thu được từ khoản đầu tư này tính đến 30/9/2021 đạt hơn 4.900 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ trong mức tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Không chỉ đầu tư, Techcombank cũng sẵn sàng hợp tác đầu tư với khách hàng để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Techcombank thực hiện nghiệp vụ mua bán các loại trái phiếu doanh nghiệp với ngành nghề, kỳ hạn, lãi suất, tài sản đảm bảo... đa dạng.
Trước đó, Bộ Tài chính từng khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, công ty chứng khoán.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc các ngân hàng, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành với tổng giá trị đạt 132.300 tỷ đồng. Trong đó có 31.700 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 24%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Hoàng Minh